Giới trẻ

Kỹ sư 8X bỏ việc đi tìm thực phẩm sạch

Quyết tâm rời bỏ công việc kỹ sư với mức thu nhập ổn định, Lê Trọng Kha bắt đầu hành trình đi tìm nguồn thực phẩm sạch để phân phối tới người tiêu dùng, bước đầu thành công.

Trọng Kha tự mình tìm hiểu và cung cấp kiến thức trồng rau, nuôi lợn sạch cho người nông dân - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cầm trong tay tấm bằng kỹ sư Xây dựng Bách Khoa, Lê Trọng Kha (sinh năm 1982, quê Tiền Giang) có hơn 10 năm kinh nghiệm.

Có một công việc với mức thu nhập ổn định mà nhiều người mong muốn, thế nhưng một ngày, chàng trai này đã đưa ra quyết định bỏ việc và bắt đầu thực hiện đam mê đi tìm nguồn thực phẩm sạch để phân phối tới người tiêu dùng. Nguyên do đơn giản bởi Kha chứng kiến quá nhiều bệnh nhân ung thư xung quanh mình.

Ung thư - căn bệnh ám ảnh

Kể chuyện với chúng tôi về hành trình bỏ công việc nhiều người ao ước, Kha bảo lý do đơn giản là bởi xung quanh anh quá nhiều người may mắc bệnh ung thư. Có những người mắc bệnh này đơn giản chỉ vì những thói quen ăn uống mỗi ngày.

"Mình từng chứng kiến mẹ một người bạn ra đi vì mắc ung thư. Không lâu sau, một cặp vợ chồng là đồng nghiệp của mình cũng qua đời vì căn bệnh này khi họ mới chỉ qua tuổi 40. Còn rất nhiều những trường hợp khác nữa khiến mình rất đau lòng", Trọng Kha kể lại.

Cũng chính từ đó, chàng trai quê Tiền Giang trăn trở nhiều về ý tưởng đi tìm một nguồn thực phẩm xanh, sạch để cung cấp tới tay được người tiêu dùng. Bởi chính họ có nhu cầu muốn dùng thực phẩm sạch, nhưng cũng không có cách nào kiểm chứng và biết nơi nào cung cấp sản phẩm sạch thực sự.

Không chỉ yêu thích công việc kỹ thuật, Trọng Kha còn có sở thích kinh doanh từ khi còn là sinh viên đại học. Để thực hiện sở thích và đam mê tốt hơn, ngoài tấm bằng kỹ sư xây dựng, Khoa cũng có trong tay bằng cử nhân Quản trị kinh doanh năm 2009 và bằng cử nhân Tài chính ngân hàng 2012 tại Đại học Mở TP.HCM theo hệ chính quy.

Năm 2016, Kha mở một siêu thị nhỏ bán thực phẩm. Đó là quãng thời gian đánh dấu con đường kinh doanh thực sự của anh chàng kỹ sư xây dựng.

"Sau một thời gian, việc kinh doanh ở bờ vực phá sản nên mình đã quyết định nghỉ hẳn công việc để tập trung hành trình tìm thực phẩm sạch. Đó thực sự là một quyết định khó khăn vào thời điểm đó", Trọng Kha kể lại.

Kha đi đánh bắt cá với người ngư dân để tìm hiểu về nguồn thực phẩm này - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, việc kinh doanh có thể sẽ phá sản, nhưng Trọng Kha vẫn luôn đau đáu muốn thực hiện ước mơ. Bằng ý chí, bằng sự giúp đỡ của bạn bè về mặt tài chính, Kha cuối cùng đã vực dậy được việc kinh doanh và tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Điều muốn thay đổi nhất là ý thức con người

Kể về một người đàn ông 41 tuổi mình quen mắc bệnh ung thư, Kha bảo, trước đó bạn anh có thói quen nấu nướng khá đơn giản, và không quan tâm nhiều đến việc đó có phải thực phẩm sạch hay chưa.

"Có lần, vợ anh ấy nói rằng rau mua không ổn lắm. Anh bảo, sống chết có số. Câu nói đó cứ mãi ám ảnh mình. Hiện tại, anh phải ăn theo nhiều phương pháp rất kỹ càng và tìm cách kéo dài sự sống càng lâu càng tốt", chàng kỹ sư xây dựng nói.

Cái Kha muốn thay đổi nhất chính là ý thức của người tiêu dùng và ngay cả người cung cấp. Trọng Kha muốn là người đứng ra kết nối giữa người sản xuất - người bán - người tiêu dùng.

"Mình nghĩ chỉ khi người tiêu dùng hiểu người bán bán gì, hiểu người sản xuất làm gì và thấu hiểu được nhau thì mới có niềm tin để tiêu dùng hàng Việt", Kha bày tỏ.

Hiện tại, công việc chính của Kha không phải là kinh doanh siêu thị. Anh là người trực tiếp tìm hiểu về phương thức canh tác rau, củ quả và cả về lĩnh vực chăn nuối, đánh bắt hải sản của người nông dân, ngư dân.

Ngoài ra, với những kiến thức bản thân tích lũy và học hỏi được, Trọng Kha còn kết nối giúp người nông dân thay đổi phương pháp canh tác, bao tiêu sản phẩm đầu ra, kiểm soát chất lượng.

"Mỗi sản phẩm bên mình bán ra đều có giấy phép kiểm dịch chất lượng đảm bảo. Số tiền làm kiểm dịch hầu như là tiền túi bỏ ra. Hiện tại, bên mình vẫn đang bù lỗ, nhưng mình tin một ngày nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi tốt hơn", chàng trai sinh năm 1982 chia sẻ.

Ngày 6-5, Kha sẽ tổ chức hôn lễ. Thế nhưng, chàng trai này vẫn sắp xếp đi biển một chuyến dài khoảng gần 1 tháng để tìm hiểu cách thức đánh bắt cá của người ngư dân. Anh cũng có kế hoạch sẽ lên phương án thu mua cá với chất lượng tươi nhất để phân phối tới người dùng một cách đảm bảo nhất.

Những sản phẩm được Kha phân phối được kiểm định chất lượng, không hại sức khoẻ, bởi anh ám ảnh hai chữ "ung thư" - Ảnh do nhân vật cung cấp

Là một người trăn trở nhiều vì sức khỏe và môi trường, Trọng Kha cũng có một đám cưới rất riêng. Anh cùng vợ sắp cưới thực hiện đám cưới tiết kiệm bằng cách sử dụng thiệp mời online thay vì thiệp cưới giấy.

"Trước ngày cưới khoảng 2 tháng, mình đã gửi thiệp báo cho tất cả bạn bè, người thân qua mail, zalo, viber, để họ sắp xếp công việc. Cách 2 tuần trước ngày cưới, mình gửi thiệp mời chính thức và thêm họ vào lịch nhắc nhở ngày cưới", chàng trai này tiết lộ.

Với ý tưởng đặc biệt này, Trọng Kha mong muốn những người trẻ khác cũng có hành động tương tự để thực hiện tiết kiệm giấy, bảo vệ môi trường và sử dụng tiền vào những mục đích ý nghĩa hơn.

Tác giả: TIỂU HÀN

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: Kỹ sư , thực phẩm sạch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP