Kinh tế

Kinh tế Việt Nam 2017: Sẽ có cơ hội giàu trước khi già?

"Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác", ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2017.

Tiếp tục là "ngôi sao sáng" trong khu vực

Những ngày cuối cùng của năm 2016 đang dần khép lại để đón chào năm mới 2017 hứa hẹn có rất nhiều điều bất ngờ của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh này, Dân trí xin lược đăng những dự báo đáng chú ý về kinh tế Việt Nam năm 2017 của ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Theo kỳ vọng của ông Hải, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới.

"Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác. Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi. Cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai", ông Hải nhận định.

Năm 2017, Việt Nam được kỳ vọng vẫn tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế.


Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hải, kinh tế Việt Nam do đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Trump sẽ áp dụng với châu Á, nếu ông thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, đây sẽ là nguyên nhân để lo lắng.

Cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững

Theo ông Hải, một xu hướng mới gần đây đã xuất hiện khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng lực lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ. Đây là xu hướng rất đáng mừng khi chúng ta ngày càng nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia.

Do đó, Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình (ví dụ như nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin) và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững. Một quốc gia cũng giống như một doanh nghiệp. Việt Nam rất cần một chiến lược phát triển đất nước trong 20 - 30 năm tới với một tầm nhìn dài hạn, các mục tiêu rõ ràng, từng cột mốc cụ thể theo thời gian, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và các bộ ngành đối với việc đạt được các cột mốc này và thường xuyên tiến hành rà soát lại việc thực hiện chiến lược.

Bên cạnh đó, "Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp thúc đẩy đối với một số lĩnh vực đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Các khoản nợ xấu kéo dài, nguy cơ gia tăng lạm phát, tốc độ thoái vốn công chậm so với kế hoạch đề ra đang gây khó khăn cho kinh tế. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh năng suất lao động vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực...", ông Hải nhấn mạnh.

Và trong lúc Chính phủ đang từng bước thực hiện những cải cách cần thiết để đưa tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế khó khăn khi những dư địa cho nới lỏng tiền tệ hay tài khóa đều bị giới hạn. Hiện tại mặc dù lạm phát ở dưới mức mục tiêu 5% cho 2016, có những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát như khả năng giá lương thực, giá nhiên liệu phục hồi, chi phí giáo dục và y tế gia tăng.

Tất cả những yếu tố này sẽ làm phạm vi nới lỏng tiền tệ bị giới hạn. Dư địa nới lỏng tài khóa cũng khá nhỏ khi thâm hụt ngân sách tăng trong lúc nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cũng tăng. Nguồn thu ngân sách từ dầu thô và doanh nghiệp nhà nước giảm, do giá nhiên liệu thấp và tình hình thoái vốn ở khu vực công chậm.

Việc cần làm ngay là gia tăng hiệu quả phân bổ ngân sách nhà nước vào những khu vực và lĩnh vực hiệu quả, quản lý nợ công chặt chẽ. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thực hiện tiến trình này một cách minh bạch theo cơ chế thị trường.

Ông Hải cho rằng, việc Chính phủ gần đây quyết định bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại các công ty như Vinamilk, Sabeco, Habeco... là tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế. Chỉ khi chúng ta thực sự chấp nhận sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta mới thực sự thay đổi được cách thức, bộ máy quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.

Sẽ có cơ hội giàu trước khi già

Mặc dù có những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu chúng ta thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cơ hội này sẽ không kéo dài vì Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Theo dự báo của UNDP, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Philippines vào năm 2030. Vào năm 2050, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. Nếu chúng ta thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế (ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Chúng ta sẽ có cơ hội giàu trước khi già.

Theo ông Hải, trong năm 2017, ngân hàng vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao. Chúng ta đang còn khoảng 200 ngàn tỷ nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân.

Thống đốc cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Nhân hàng châu Á diễn ra gần đây. Để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi.

Với sự áp dụng của Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc vì họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng.

Chúng ta vẫn cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác. Chúng ta cũng nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản.

Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết. Ngoài ra, bản thân các ông chủ ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh để hoạt động bền vững. Người gửi tiền cũng sẽ xem xét rất cẩn trọng khi chọn gửi tại ngân hàng uy tín thay vì chỉ dựa vào lãi suất như hiện nay. Bên cạnh tỷ lệ sở hữu, chính phủ cũng nên xem xét về mặt chính sách, tạo một môi trường chính sách ổn định để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư trong dài hạn.

Tôi nghĩ trong năm 2017, chính sách tín dụng của NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tiếp tục của đất nước trong 5 năm tới. Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng cho nền kinh tế và căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, đó là sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP