Kinh tế

Không thể ngồi yên, đại gia Lê Phước Vũ ra tay mạnh mẽ

Sau một thời gian im tiếng, ông Lê Phước Vũ đã chính thức vào cuộc chống lại tác động của cuộc chiến khốc liệt, vốn làm doanh nghiệp nhà ông Lê Phước Vũ bốc hơi ngàn tỷ đồng trong thời gian vừa qua.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen -một công ty riêng của Lê Phước Vũ - đã hoàn tất mua 1 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong thời gian 15/6 đến 13/7 thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn.

Sau giao dịch, Công ty Đầu tư Hoa Sen đã sở hữu 97,6 triệu cổ phiếu HSG, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 25,36%.

Công ty Đầu tư Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch.

Ông Vũ hiện cũng là chủ tịch của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và đang sở hữu 10,7% vốn HSG, tương ứng hơn 37,4 triệu cổ phiếu.

Đây là diễn biến “cứu giá” cổ phiếu HSG đáng chú ý nhất của ông Lê Phước sau khi cổ phiếu này giảm 2,5 lần từ mức giá gần 25 ngàn đồng xuống 10.000 đồng/cp trong 6 tháng qua khiến vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi khoảng 6.000 tỷ đồng.

Trong vài ngày gần đây, giá cổ phiếu HSG xuống sát đáy 3 năm, ghi nhận mức thấp nhất là 9.750 đồng/cp (hôm 11/7).

Cổ phiếu HSG giảm mạnh trong 6 tháng qua do triển vọng kinh tế suy giảm do chịu ảnh hưởng từ các loại thuế trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới gia tăng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và rộng ra là Mỹ và nhiều khu vực trên thế giới được đánh giá là ảnh hưởng tới ngành thép Việt Nam, khiến đại gia thép Việt hao tiền tốn của.


Không chỉ HSG của ông Lê Phước Vũ, Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long cũng giảm mạnh, mất hàng chục phần trăm trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung cũng chịu ảnh hưởng xấu trên thế giới.

Các cổ phiếu Thép Pomina (POM), hay Thép Tiến Lên (TLH) cũng giảm giá mạnh.

Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu, thép là sản phẩm bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều nhất. Gần đây, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với các sản phẩm thép mà nước này nghi là thép Trung Quốc xuất sang Việt Nam và từ đây “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ.

Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh áp thuế chống bán phá hơn 199% và thuế chống trợ cấp hơn 256% với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo đánh giá của BVSC, tỷ trọng nhập khẩu vào thị trường Mỹ thấp nên các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực là rõ ràng, nhất là về triển vọng xuất khẩu mở rộng quy mô của các doanh nghiệp thép lớn trên TTCK.

Cũng theo BVSC, việc Chính quyền Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ với ngành thép có thể dấy lên các hành động trả đũa của các quốc gia khác. Trên một quy mô rộng hơn là bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu từ tất cả các quốc gia thì có thể ảnh hưởng tới Việt Nam.

Hiện tại, tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như HSG và NKG sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ được nâng cao, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như HPG, TIS, POM sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại.

Cùng với xu hướng giảm chung trên TTCK, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại có thể là lý do khiến cổ phiếu HSG giảm sâu thời gian qua.

Mặc dù cổ phiếu giảm sâu và vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi mạnh nhưng nhà ông Lê Phước Vũ mua bán cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình ở vào những thời điểm rất thuận lợi.

Cú mua 1 triệu cổ phiếu HSG vừa qua, giá nằm ở vùng đáy trong 3.

Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Tâm Thiện Tâm - công ty riêng của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ bán ra toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG vào khoảng cuối tháng 5, khi mà giá cổ phiếu HSG ở khoảng 12.000-13.000 đồng/cp.

Ông Lê Phước Vũ được xem là rất may mắn khi bán thỏa thuận thành công gần 10 triệu cổ phiếu HSG ở mức giá đỉnh: bình quân 32.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 300 tỷ đồng hồi đầu tháng 6/2017. Giao dịch được thực hiện sau khi ông Vũ lăn chốt nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 55% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, với tổng cộng nhận thêm khoảng 20 triệu đơn vị.

Trên TTCK, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hồi phục và giúp chỉ số VN-Index đứng trên ngưỡng 900 điểm.

Thanh khoản vẫn còn ở mức thấp và khối ngoại bán ròng khoảng 60 tỷ đồng trên toàn thị trường (tập trung VIC với 83 tỷ đồng).

Đa số các CTCK cho rằng, thị trường chưa có tín hiệu hồi phục chắc chắn. BVSC dự đoán thị trường sẽ tăng giảm điểm đan xen trong biên độ hẹp trong vài phiên tới.

Theo SHS, nếu trong các phiên tiếp theo đây, chỉ số vẫn duy trì được đà tăng và thanh khoản cũng có sự cải thiện thì đây là những dấu hiệu tích cực đối với thị trường chung. Còn trong trường hợp xấu hơn khi VN-Index giảm điểm thì vùng 885-900 điểm sẽ tiếp tục là hỗ trợ cho thị trường. Với việc kết quả kinh doanh quý II sẽ được hé lộ dần trong thời gian tới thì SHS vẫn nghiêng về kịch bản tích cực cho thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch 16/7, VN-index tăng 1,39 điểm lên 911,11 điểm; HNX-Index tăng 0,61 điểm lên 103,12 điểm. Upcom-Index tăng 0,03 điểm lên 49,3 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP