Kinh tế

Đại gia Thái thâu tóm toàn bộ dự án hóa dầu trị giá 5,4 tỷ USD

Doanh nghiệp thâu tóm 100% vốn cổ phần tại Hóa dầu Long Sơn không mấy xa lạ, chính là Tập đoàn SCG của Thái Lan với nhiều thương vụ đình đám tại Việt Nam trước đó.

Tập đoàn SCG của Thái Lan mới đây đã thông báo hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để mua lại 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn với giá trị 2.052 tỷ đồng.

Trước đó, tập đoàn của Thái Lan đã sở hữu 71% vốn tại dự án hóa dầu này và đợt ký kết mới đây chính thức đánh dấu việc thâu tóm hoàn toàn 100% dự án.

SCG đã đề nghị được mua lại 29% cổ phần từ tay PVN vào đầu tháng 1, nhưng đến nay tập đoàn Thái Lan mới hoàn thành mục đích.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn chính thức được cấp phép đầu tư từ năm 2008, tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Sau một số lần điều chỉnh, vốn đầu tư của dự án đã được tăng lên mức 4 tỷ USD và nay là 5,4 tỷ USD.

Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO của SCG, từng khẳng định ưu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam là mua lại các công ty khác, nhằm nhanh chóng chiếm được thị trường. Ảnh: Nikkei.

Ba doanh nghiệp góp vốn ban đầu tại dự án là PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, hoạt động của Vinachem gặp nhiều khó khăn và tập đoàn đã rút vốn khỏi dự án bằng việc chuyển nhượng lại toàn bộ vốn sở hữu cho Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). QPI cũng chỉ gắn bó với Hóa dầu Long Sơn đến đầu tháng 4/2017 thì chuyển nhượng toàn bộ phần vốn này cho SCG. Nhờ đó,tập đoàn đến từ Thái Lan này nâng lượng vốn sở hữu tại dự án từ 46% lên 71%.

Đây là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn đã đi vào vận hành.

Sau thâu tóm, SCG cho biết gói thầu EPC của dự án sẽ được thực hiện từ quý III/2018 và toàn bộ dự án có thể đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023 và cung cấp sản phẩm olefin đạt 1,6 triệu tấn/năm.

Dự kiến, dự án tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm và thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao.

Cái tên SCG không còn mấy xa lạ với thị trường Việt Nam bởi tập đoàn này đã thực hiện rất nhiều thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực xi măng, vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, hóa chất…

Mới đây nhất thông qua Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, tập đoàn của Thái Lan đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức trở thành ông chủ mới tại doanh nghiệp nhựa đầu ngành này.

Doanh nghiệp Thái cũng mua 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam với vốn 160 triệu USD hồi đầu năm 2017.

Trước đó, cuối năm 2012, SCG cũng chi khoảng 5.000 tỷ đồng mua lại doanh nghiệp gạch Prime Group.

Ngoài ra, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái... và góp vốn vào một số doanh nghiệp bao bì khác tại Việt Nam.

Theo báo cáo kinh doanh quý I/2018 của SCG, tập đoàn này hiện sở hữu hơn 20 công ty lớn nhỏ tại Việt Nam.

SCG được thành lập từ năm 1913 và chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 với tuyên bố chi ngân sách cho mua bán sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt lên tới 5-6 tỷ USD đến năm 2020.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP