Giáo dục

Học sinh nghỉ học, trường có bán trú ở Đà Nẵng lo 'giải cứu' thực phẩm

Đầu giờ sáng, học sinh Đà Nẵng được thông báo nghỉ học. Các trường mầm non, tiểu học rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì đã chế biến thực phẩm.

Phụ huynh Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đến trường nhận phần ăn sáng cho con vào đầu giờ sáng ngày 17/10.


Nhà bếp "dở khóc dở cười"

Sáng sớm ngày 17/10, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thông báo đến các đơn vị, trường học về việc trẻ mầm non, học sinh, học viên tiếp tục được nghỉ học.

Theo đó, do thời tiết chuyển biến xấu, áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới kèm mưa to. Vì vậy Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đề nghị các trường thông báo trẻ mầm non, học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vào ngày 17/10.

Trước đó, cũng do thời tiết mưa lớn nên trẻ mầm non, học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều ngày 13/10.

6h15 sáng ngày 17/10, bộ phận cấp dưỡng của Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã nấu xong phần cơm trưa cho 1.000 học sinh bán trú. Cá thu cũng đã chiên xong đủ cho phần ăn cho học sinh một khối lớp. Số cá thu còn lại cũng đã được ra lát, sốt cà chua đã được chế biến xong.

Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Công tác tiếp phẩm của trường được tiến hành từ 5h30 sáng hàng ngày. Thường khoảng 6h30 sáng thì rau củ quả đã được sơ chế xong". Chỉ tính riêng phần cơm, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu đã nấu khoảng 120 gạo trong ngày 17/10. Cơm được nhà bếp nấu bằng cả tủ điện lẫn tủ gas nhưng cũng không thể để lại qua đêm được.

Phụ huynh đưa con đến trường mới đọc được thông báo trẻ được nghỉ học. Các cô giáo gửi kèm suất ăn sáng để trẻ mang về nhà.

Thực đơn bữa trưa ngày 17/10 của học sinh bán trú Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) dự kiến có canh, thịt kho, đậu xào. Đến khoảng 6h30, bếp ăn nấu xong cơm, canh; riêng thịt đã được sơ chế, ướp và nấu chín được khoảng 1/3 số lượng thực phẩm.

Cô Bùi Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Với những thực phẩm chưa sơ chế mới có thể thương lượng với đơn vị cung cấp để hoàn trả. Trong khi đó, phần rau củ cho món xào thì nhà bếp đã cắt gọt xong, thịt cũng đã ướp gia vị từ sớm nên không thể trả được".

Các bếp ăn các trường mầm non đã nấu xong bữa sáng để bắt đầu đón trẻ vào lúc 6h30 sáng. Thậm chí, các giáo viên đứng lớp đã nhận xong khẩu phần ăn sáng về lớp để chuẩn bị bữa ăn sáng cho trẻ lớp mình.

Giáo viên "giải cứu" thực phẩm

Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu đã liên hệ với một nhóm từ thiện để tặng lại toàn bộ số cơm đã nấu sáng ngày 17/10. Đây cũng là cách làm của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi khi nhà trường gửi cơm, canh và một phần thức ăn mặn đã chế biến cho một bếp ăn từ thiện trên địa bàn quận để hỗ trợ người dân vùng đang bị ngập nước.

Cô Phan Quỳnh Vân cho biết: "Với phần cá thu và đồ xào, ban giám hiệu nhà trường vận động giáo viên "mua" lại giúp để có thể hỗ trợ phần nào chi phí mua thực phẩm. Nhiều phụ huynh đã liên hệ với mong muốn cùng tham gia hỗ trợ "tiêu thụ" số thức ăn đã chế biến. Chúng tôi rất cảm ơn sự chia sẻ của phụ huynh, tuy nhiên, việc này nhà trường có thể giải quyết được trong nội bộ".

Giáo viên Trường Mầm non Cẩm Vân chuyển cháo sáng sang tặng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Phần chi phí cho bữa sáng sẽ do các cô giáo góp vào để chia sẻ cùng nhà trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) cũng chia nhau "mua giúp" rau củ quả, thịt, cá... mà nhà bếp đã nhập về, sơ chế.

Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thông báo phụ huynh nào gần khu vực trường có thể đến nhận phần ăn sáng cho con. Trường Mầm non Rạng Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chuyển hơn 400 suất ăn sáng của trẻ cho một nhóm từ thiện để tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu) cũng thông báo qua các nhóm lớp, phụ huynh nào tiện đường có thể đến trường nhận phần ăn sáng cho con. Tuy nhiên, số phụ huynh đến nhận không đáng kể. Ban Giám hiệu nhà trường đã liên hệ với Bệnh viện Phụ sản - Nhi để tặng suất ăn cho các bệnh nhi.

Dù đã "giải cứu" xong số thực phẩm dùng để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh và trẻ mầm non, nhưng Ban giám hiệu các trường rất "đau đầu" cho bài toán kinh phí.

Cô Bùi Thị Thanh Tuyền cho biết: "Về nguyên tắc, khi học sinh nghỉ học thì nhà trường phải hoàn lại tiền ăn bán trú cho phụ huynh. Trong khi đó, khâu tiếp phẩm đã hoàn thành, nhà trường buộc phải thanh toán tiền cho đơn vị cung cấp. Chúng tôi kêu gọi giáo viên hỗ trợ giải cứu chủ yếu là để không bị tồn đọng số lượng thực phẩm đã tiếp nhận chứ không thể "bán" lại với giá niêm yết của đơn vị cung ứng".

Như Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu, cô Hiệu trưởng nhận sẽ hỗ trợ nhà trường 120kg gạo đã chế biến, còn nguồn tiền bù cho khoản chênh lệnh thanh toán cho bên cung ứng thực phẩm thì "từ từ tính".

Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, nếu ngày 18/10, học sinh đến trường trở lại thì suất ăn trưa dự kiến sẽ nấu bún hoặc phở. "Chiều 17/10, nhà trường buộc phải báo cho bên cung ứng thực phẩm để kịp chuẩn bị cung cấp cho ngày 18. Nếu có tiếp tục thông báo nghỉ học vào giờ chót thì nhà trường dễ xoay sở hơn".

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP