Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 9, tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra cơn sốt giá sầu riêng. Nhiều tiểu thương sẵn sàng đổ tiền vào các nhà vườn để thu mua sầu riêng non lẫn chín. Đơn cử, tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), một số loại sầu riêng chất lượng cao được thu mua 54.000 đồng/kg - mức giá kỷ lục nhiều năm.
Hay như giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh dịp này cũng không ngừng tăng cao khi giá thu mua tại vườn là 150.000 đồng/chục (12 trái). Mức giá này được xem là cao nhất trong vòng 6 năm qua, đem lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng/ha cho mỗi nhà vườn.
Hoa quả trong nước đang đắt kỷ lục, hoa quả nhập ngoại về nhiều |
Tương tự, giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận cũng lập mức kỷ lục khi tăng lên tới 30.000 đồng/kg. Theo người trồng thanh long, với giá khoảng 15.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi. Trong vòng nửa tháng qua, giá thu mua trái cây này tăng vùn vụt đạt mức trung bình 22.000 đồng/kg. Riêng cuối tuần qua, giá thanh long có lúc tăng lên 30.000-33.000 đồng/kg do nguồn hàng thiếu, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh.
Nhờ vào mức giá này mà các nhà vườn thanh long Bình Thuận được dịp trúng đậm, có nhà vườn thu tới 200 triệu đồng tiền lãi.
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, trong tháng 9, Việt Nam đã chi tới 135 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng) để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2017 đạt 1,15 tỷ USD, tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 218 triệu USD, tăng 30% và mặt hàng quả là 914 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm là Thái Lan (chiếm tới 60,7% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 15,7%).
Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường từ đầu năm đến nay đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp hơn 2,8 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (gấp hơn 2,2 lần) và thị trường Hàn Quốc (tăng 70,8%).
Tác giả: B.H
Nguồn tin: Báo VietNamNet