GS Masaki Nakagawa (trái) cùng hai SV Lý Tuấn Nam (giữa) và Nguyễn Công Kha tại khuôn viên trường ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo ở Koganei - Ảnh: MAINICHI |
Theo nhật báo Mainichi của Nhật, 23 nhóm từ các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật trên khắp nước Nhật đã tham dự cuộc thi diễn ra hồi tháng 12-2017, do Viện Kỹ nghệ Điện tử, Thông tin và Liên lạc Nhật Bản tổ chức.
Thách thức của năm nay là tạo ra hệ thống AI hữu hiệu nhất để đọc chữ thảo hiragana cổ, một trong hai bộ ký tự của tiếng Nhật.
Sản phẩm AI của hai sinh viên người Việt Lý Tuấn Nam và Nguyễn Công Kha, cả hai đều 28 tuổi và theo học ở ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, đã đọc được tới 96% số ký tự đơn độc, và 88% số bộ ghép gồm 3 ký tự.
Cả hai sinh viên đều đang được giáo sư Masaki Nakagawa hướng dẫn tại ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo ở Koganei, ngoại ô phía tây Tokyo.
Theo báo Mainichi của Nhật, hai sinh viên Việt Nam đã dành khoảng 4 tháng để phát triển hệ thống AI của mình, bao gồm một lưới thần kinh ba lớp mô phỏng các chức năng não bộ con người.
Hệ thống này sau đó học 300.000 ký tự cổ hiragana qua những hình ảnh từ 14 bản thảo chữ cổ viết tay, trong đó gồm cả tác phẩm Một cuộc đời đầy đam mê của tác giả Ihara Saikaku viết từ thời Edo.
Sinh viên Lý Tuấn Nam chia sẻ với báo Nhật: "Chúng tôi đã cho hệ thống học đi học lại để nâng cao tính chính xác. Chuyện đó thật thú vị".
Hai sinh viên VN đều học tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. SV Nguyễn Công Kha cho biết anh cũng tham gia vào việc sử dụng AI để giải mã các bài viết trên các thẻ bài bằng gỗ tìm thấy tại di tích Thành cổ Heijo ở tỉnh Nara của Nhật.
Nguyễn Công Kha cũng tiết lộ rằng anh có một mục tiêu cá nhân là xây dựng một hệ thống AI để đọc chữ Nôm, hệ thống chữ viết tượng hình do người Việt phát triển từ thế kỷ thứ 10. Lý do là hiện không còn nhiều người có thể đọc được các bản thảo chữ Nôm nên nhiều văn bản cổ chưa được diễn dịch đầy đủ. "Tôi muốn làm điều đó để có ích cho người Việt chúng tôi", Công Kha chia sẻ với báo Nhật.
Giáo sư hướng dẫn Nakagawa cho biết nghiên cứu của hai sinh viên Việt Nam "chắc chắn sẽ hữu ích trong việc nghiên cứu lịch sử".
Phòng thí nghiệm của GS Nakagawa còn tham gia vào việc phát triển các hệ thống để đọc các câu trả lời viết tay trong các bài kiểm tra, bao gồm cả các bài thi tuyển sinh.
"Tôi hy vọng điều này có thể giảm tải cho người chấm bài và cho phép áp dụng rộng rãi hơn các bài kiểm tra cần trả lời viết tay", GS Nakagawa nói.
Tác giả: TƯỜNG NGUYỄN
Nguồn tin: tuoitre.vn