Sinh viên ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tham gia một chuyên đề về phương pháp học đại học hiệu quả - Ảnh: MẠNH KHANG |
Dưới đây là chia sẻ của 'người trong cuộc'.
Kiến thức xa vời
"Suốt thời sinh viên, tôi thật lòng không thấy giáo trình có gì thu hút. Tôi chỉ nhớ slide bài giảng do giảng viên thiết kế", N.H.M.K. (tân cử nhân vừa tốt nghiệp ngành xã hội một trường ĐH), chia sẻ.
Theo K., giáo trình các môn đại cương là những quyển sách photo cũ xì, bán tràn lan ở tiệm in ấn hoặc truyền tay qua nhiều thế hệ sinh viên. Không cập nhật thông tin mới, không hình ảnh sinh động, một số giáo trình không chỉn chu bằng nhiều đầu sách đang bán trên kệ.
Sinh viên không hoàn toàn thờ ơ nhưng chỉ ngấu nghiến vài trang trong giai đoạn thi cử, học chiếu lệ để qua môn, không sử dụng để nghiên cứu chuyên sâu.
Còn Phan Văn Nam (sinh viên năm cuối Trường ĐH Giao thông vận tải, phân hiệu tại TP.HCM), cho rằng đa số sinh viên năm 1, năm 2 còn lơ là việc tự học.
"Ý thức đọc sách từ phổ thông đã kém nên khó có thói quen tìm đọc giáo trình. Mặc dù giảng viên đã giới thiệu tên giáo trình nhưng đa số sinh viên không mua. Số sinh viên mua có đọc qua nhưng thấy khó đành bỏ cuộc.
Đa số sinh viên chuộng slide bài giảng/đề cương của giảng viên hoặc "bí kíp" khóa trước truyền lại vừa ngắn gọn, dễ hiểu vừa trọng tâm đề thi. Sinh viên cũng cảm thấy kiến thức trong giáo trình xa vời. Do đó, nhiều bạn cứ ra tiệm photo mua bộ tài liệu ôn thi do các khóa trước đã soạn để nhanh, hiệu quả", Nam nói.
Thiếu động lực và ràng buộc
Theo ThS Nguyễn Văn Hà (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), việc đọc của sinh viên thiếu động lực và ràng buộc. Giảng viên chỉ giới thiệu giáo trình rồi thôi, trong khi hoàn toàn có thể tổ chức các bài kiểm tra nhỏ theo hướng mở để sinh viên tóm tắt, chia sẻ kiến thức hay lĩnh hội được từ các đầu sách được giới thiệu.
"Chúng ta đã quen với cách dạy khuôn mẫu từ phổ thông, học sinh không được khuyến khích tự tìm kiếm, tổng hợp tri thức.
Thế giới phẳng, kiến thức, kỹ năng mới đã không còn là độc quyền của thầy giáo. Giáo trình dù căn bản nhưng tính cập nhật đã không kịp các kênh thông tin khác. Sinh viên lơ là, xem nhẹ là điều dễ hiểu.
Bên cạnh tính học thuật, thông tin, giáo trình vẫn cần cách thể hiện mềm mỏng, uyển chuyển, chất văn để gây hứng thú cho sinh viên. Dưới áp lực giảng dạy, nhiều thầy cô chưa thể biên soạn nhiều giáo trình chất lượng", ThS Hà nêu.
Trong khi đó ThS Cao Xuân Nam (giảng viên khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận kiến thức khối ngành kỹ thuật công nghệ thay đổi liên tục. Giáo trình vì hạn chế in ấn, biên soạn dễ trở nên lạc hậu, không thể đáp ứng nhu cầu dạy - học.
"Tôi vẫn khuyên sinh viên tìm tài liệu trực tuyến hữu ích, tài liệu gốc tiếng Anh, sách điện tử có bản quyền để cập nhật xu hướng, thuật toán, thuật ngữ, kỹ năng mới...
ĐH chủ yếu đào tạo sinh viên kỹ năng chủ động học và làm việc, tìm kiếm tài liệu đa dạng bằng tiếng Việt lẫn ngoại ngữ. Kiến thức không tĩnh, nên sinh viên có nhiều cách tiếp nhận kiến thức để giải quyết "bài toán" cuối môn", ThS Nam nói.
Tác giả: TƯỜNG HÂN (ghi)
Nguồn tin: tuoitre.vn