Chúng tôi tìm đến nhà hai mẹ con chị H’Jiêng (SN 1972, dân tộc Mạ) tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cũng là lúc xế chiều, những đám khói len lỏi qua mái nhà khiến không khí ở chốn núi rừng vốn ảm đạm càng thêm thê lương. Tháng 6, trời Đắk Nông mưa như trút nước, hai mảnh đời bất hạnh, một mù lòa, một bại não ngồi co ro trong căn nhà tối tăm, chật hẹp.
Hai mẹ con chị H' Jiêng ngồi co ro trong căn nhà tồi tàn |
Chị Trần Thị Thảo, cán bộ thương binh xã hội xã Đắk Nia cho biết, gia đình chị H’Jiêng là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của địa phương. Những năm trước, ba mẹ con phải tá túc trong căn nhà gỗ, dột nát và tạm bợ. Căn nhà cấp 4 này được xây vài năm trước, do bà con trong xóm góp công xây tặng. Nói là nhà, nhưng chỉ xây có 2 bức tường trước sau, hai bên là vách tường nhà hàng xóm, được người ta cho mượn.
Ngôi nhà được dựng nên nhờ mượn hai bức tường của hàng xóm |
Cuối tháng 5, khi năm học 2017-2018 vừa kết thúc, K’Lam- con trai thứ 2 của của chị H’Jiêng lại theo chân thanh niên trong bản đi rừng, cứ khi nào có đủ tiền mua gạo muối, cậu bé mới trở về nhà đưa mẹ rồi lại đi tiếp. Chị H’Jiêng cho biết, mấy hôm nay trong nhà đã hết gạo hỗ trợ, ăn bữa nay phải lo bữa mai, nên con trai chị phải đi kiếm tiền mua gạo.
Ngồi dỗ dành đứa con nằm đau đớn, quằn quại trên giường, chị H’Jiêng vừa kể về cuộc đời cơ cực của mình. Người phụ nữ dân tộc Mạ cho biết, gia đình trước đây nghèo nhất bản, em gái đi lấy chồng xa, chỉ có một mình chị chăm sóc bố mẹ già. Ngày ấy, yêu một người đàn ông trong xã, chị với anh ta về ở với nhau chứ không cưới hỏi gì. Thế nhưng, gần đến ngày sinh, người chồng bỗng bỏ nhà đi biệt tích, đến nay đã tròn 20 năm.
Người chồng đầu tiên bỏ đi tròn 20 năm, để lại chị và đứa con bại não |
“Ngày mình có bầu thì nhà vẫn nghèo lắm, không có điều kiện đi bệnh viện nên đến ngày sinh thì sinh ở nhà. Không có chồng bên cạnh, tất cả phải nhờ bố mẹ đẻ chăm sóc. Được một ngày thì con bé lên cơn sốt, rồi co giật, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nằm bệnh viện 1 tuần, con bé hết ốm nhưng vẫn để lại di chứng đến tận bây giờ”, chị H’Jiêng chỉ tay về phía H’Cam (SN 1998) đang nằm vô thức trên giường.
H’Cam ngay từ bé chỉ nằm ở một góc giường, cơ thể mềm oặt, đau ốm quanh năm. Âm thanh duy nhất phát ra từ cô gái là tiếng rên ư ử vì bệnh tật hành hạ, mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đều trông cậy vào mẹ và ông bà ngoại. Nhìn cô gái tròn 20 tuổi, chỉ lớn bằng đứa trẻ lên 7, nằm bất động, thi thoảng hét lên một vài tiếng đau đớn. Chị bảo biết rằng, những ngày thời tiết tốt thì không sao, nhưng cứ đến mùa mưa, hoặc cuối năm trời rét mướt, con bé lại lên cơn co giật, đau đớn cả về thể xác, lẫn tinh thần.
20 tuổi, cô gái nhỏ bằng đứa trẻ lên 7 hàng ngày bị bệnh tật hành hạ |
Thương con còn nhỏ mà bị bệnh, chồng lại bỏ đi biệt tích, chị vừa sinh xong lại ốm đau liên miên, nên đêm nào người phụ nữ này cũng khóc cạn nước mắt. “Thế rồi một trận ốm thập tử nhất sinh ập đến, khiến mình phải nằm viện cả tháng trời. Kết quả, hai đôi mắt của mình cũng bị hỏng từ ngày ấy, bây giờ chẳng nhìn thấy gì cả. Bố mẹ vừa chăm sóc mình, chăm sóc cháu, vừa đi làm để kiếm tiền mua gạo cho cả nhà”, chị H’Jiêng kể tiếp.
Được một vài năm, chị H’Jiêng kết hôn với một người đàn ông khác trong xã. Thế nhưng, ngày biết tin mình đang mang thai đứa con thứ 2, người đàn ông này cũng bỏ đi nơi nào không biết, 16 năm nay cũng chưa một lần quay lại. Mẹ con chị H’Jiêng lại về sống với bố mẹ đẻ.
Bị phụ bạc, con lại mắc bệnh hiểm nghèo, chị H' Jiêng bị hỏng cả hai đôi mắt sau đợt ốm nặng |
Từ ngày sinh đứa thứ hai, sức khỏe ngày càng yếu nên hằng ngày chị không thể làm được việc gì ngoài quanh quẩn trong 4 bức tường trông coi đứa con tội nghiệp của mình.
Nghẹn ngào khi nhắc về hai đứa con sống trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất, lẫn tình thương của bố, chị nói: “Mình ở với bố mẹ được vài năm thì cả hai đều già yếu, rồi mất. Một mình mình chăm sóc cả hai đứa con. Những năm trước thì người ta còn thuê nhổ cỏ, tách vỏ điều, nhưng bây giờ không dám để con ở nhà một mình, nên mình không đi làm nữa. Thế là có tuần cả ba mẹ con không có gì ăn, chỉ ăn cơm với rau và muối ớt, có bữa chỉ có cháo trắng. Mình thì không sao, chứ hai đứa con, một đứa bị bệnh, một đứa còn nhỏ, ăn uống như vậy mình cũng xót xa lắm !”.
Không còn người đỡ đần, chị một mình chăm sóc hai đứa con |
Theo chị Trần Thị Thảo, hoàn cảnh của ba mẹ con chị H’Jiêng hết sức đặc biệt. Tuy nhiên, do chị H’Jiêng và con gái sức khỏe yếu, thường xuyên đau yếu, có khi phải nằm điều trị bệnh viện dài ngày nên cuộc sống rất khó khăn. Điều lo nhất là khi chị này mất đi, sẽ không ai chăm sóc cho người con gái mắc bệnh bại não, vì theo phong tục thì con trai phải đi ở rể bên vợ.
Thương mẹ, thương chị nên nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi, K’Lam đi rừng, hoặc ai gọi làm gì đi làm nấy. “Mùa này mưa nhiều, người ta cũng chưa thu hoạch gì nên muốn có tiền, cháu phải lên rừng kiếm nấm, đọt mây và lá nhíp về đổi cho người ta, nếu không thì phải đi mua chịu gạo. Nhiều người biết hoàn cảnh của mẹ con cháu, người ta thương nên vừa bán vừa cho nhưng mình cũng không làm vậy mãi được !”, cậu bé cho hay.
Sợ người ta đối xử với con không tốt, người mẹ mù không đành lòng chưa cho con đi |
Mấy năm trước, khi biết hoàn cảnh của gia đình chị H’Jiêng, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông có nguyện vọng chăm sóc, nuôi dậy H’Cam. “Thế nhưng con bé khó tính lắm, chỉ có mình mình là cho nó ăn, bế nó được thôi. Mình cũng sợ nó không ý thức được, lại vệ sinh ra quần áo, giường chiếu người ta lại đánh đập nó thì tội nghiệp lắm nên mình không cho nó đi”, người mẹ mù trải lòng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Chị H’Jiêng (trú bon N’Jriêng xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) |
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí