Tại làng Le, khoảng 160 hộ dân với 460 nhân khẩu cùng sinh sống gần gũi với núi rừng Tây Nguyên. Món gỏi kiến vàng độc đáo của dân tộc này chỉ có vào những dịp lễ hội hoặc tiếp khách quý.
Món gỏi kiến vàng độc đáo |
Nguyên liệu để làm món gỏi kiến vàng gồm cá suối, kiến vàng, trứng kiến vàng và một số loại lá cây rừng. Cá suối to được phi lê, loại bỏ xương, da rồi băm nhuyễn với sả, ớt, đựng trong chiếc tô lớn.
Sau đó, một người sẽ rung cành cây để kiến vàng từ tổ rơi vào trong tô. Lúc này, đàn kiến sẽ lao vào cắn thịt cá và tiết ra dịch để làm chín cá. Chờ trong khoảng nửa giờ, người làm cho thêm trứng kiến đã làm sạch vào, dùng tay trộn đều các nguyên liệu lại, vắt khô nước là đã hoàn thành món gỏi kiến vàng.
Cá suối to được bỏ xương, da rồi băm nhuyễn với sả, ớt |
Anh A Khải ở làng Le nói rằng kiến vàng khi đốt thịt cá sẽ tiết ra chất dịch làm cá chín từ từ và có vị chua chua rất đặc trưng. Đúng vị thì phải dùng cá suối mới ngon, ngọt và thanh hơn. Kiến vàng cần tìm những tổ kiến thật to, có cả trứng kiến để làm gỏi. Làm món gỏi kiến rất đơn giản nhưng phải có người chịu "hy sinh". Đó là người ra tổ để bắt kiến.
Món gỏi kiến vàng thường ăn kèm với nhiều loại lá rừng |
"Kiến không chỉ rơi vào tô cá mà còn có thể rơi, bò đốt khắp người. Kiến vàng đốt không đau mà chỉ cảm thấy khó chịu. Nhưng có như vậy thì ăn miếng gỏi mới ngon được" - anh Khải cười nói.
Làm món này phải có người chịu thiệt, lỡ bị kiến cắn |
Gỏi kiến sau khi vắt khô nước sẽ bỏ vào giữa mâm lá rừng gồm nhiều loại như lá bứa, xoài non, rau răm... Khi ăn, mỗi người sẽ ngắt một loại lá, xếp lá lại như hình chiếc phễu rồi gắp gỏi kiến cho vào giữa, thêm chút muối, cuộn lại rồi thưởng thức.
Cuộn một miếng gỏi kiến đưa vào trong miệng, các vị ngọt của thịt cá, vị béo của trứng kiến, vị chua của kiến vàng và các loại rau ăn kèm cùng hòa quyện tạo nên hương vị rất đặc trưng. Miếng gỏi cá vừa thanh nhẹ, ngọt bùi mà hoàn toàn không có mùi tanh của cá sống.
Theo anh A Khải, tổ tiên anh trước đây sống dựa vào rừng, ít dùng tới lửa nên tìm các nguyên liệu, chế biến đơn giản, tự nhiên như món gỏi kiến. Qua thời gian, người ta cũng biến tấu món gỏi kiến khi rang gạo rồi xay nhỏ thành thính, ăn vào có mùi thơm hơn.
Theo ông Võ Hoàng Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), nghe tên gọi, nhiều người lúc đầu thấy rất lạ và sợ, không dám ăn. Tuy nhiên, khi ăn rồi sẽ bị ghiền ngay vì hương vị đặc trưng, béo ngậy. Nên đến với người dân Rơ Măm thì nhất định phải thưởng thức món gỏi kiến này.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động