Hình ảnh được cho là ghi từ vụ thử tên lửa của Trung Quốc. |
National Interest dẫn thông tin từ tờ South China Morning Post cho biết, vụ bắn thử tên lửa JL-3 được Trung Quốc tiến hành ở Vịnh Bột Hải ở Hoàng Hải.
“Tên lửa mới có tầm bay khoảng 5.600 dặm (tương đương 9.000km), ngắn hơn so với phạm vi hoạt động khoảng 12.000km của tên lửa Trident II của Mỹ và tên lửa đạn đạo Bulava của Nga”, South China Morning Post cho hay.
Tuy nhiên, với tầm bắn như vậy, phạm vi hoạt động của tên JL-3 đã xa hơn đến khoảng từ 800 đến hơn 1.600km so với tên lửa tiền nhiệm JL-2.
Với việc khoảng cách giữa Thượng Hải và Honolulu là khoảng 4.900 dặm, Hawaii sẽ nằm trong phạm vi hoạt động của tên lửa phóng từ tàu ngầm mới của Trung Quốc.
Khoảng cách từ Thượng Hải tới San Francisco là khoảng 6.100 dặm còn tới Washington là 7.400 dặm. Song, trong khi những tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền chỉ có thể phóng từ một nơi trên đất liền, các tàu ngầm của Trung Quốc có thể di chuyển tới gần đất liền của Mỹ.
Điều này có nghĩa là các thành phố của Mỹ đều nằm trong phạm vi hoạt động của tàu Trung Quốc. Thêm vào đó, tên lửa JL-3 còn có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm lớp Jin được trang bị 12 tên lửa JL-2.
Đến những năm 2020, Trung Quốc sẽ có các tàu ngầm lớp 096 được trang bị các tên lửa JL-3.
Tuy nhiên, theo National Interest, Trung Quốc đang tỏ dấu hiệu cho biết không muốn tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ mà chỉ muốn sử dụng các tên lửa này như một công cụ mang tính răn đe và mặc cả với Mỹ.
“Trung Quốc sẽ chỉ phát triển các tàu ngầm có mang tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vì mục tiêu của Trung Quốc là tập trung đảm bảo quân đội có năng lực phản công hiệu quả và mạnh mẽ nhất trong trường hợp đất nước bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân”, một chuyên gia Trung Quốc cho hay.
Tác giả: Hà Dung
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam