Khởi đầu với vai trò là trạm trung chuyển
Nằm giữa trung tâm di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Đà Nẵng của những năm 2000 dường như chỉ là cửa ngõ, điểm trung chuyển khách tới các vùng lõi của văn hóa và di sản thế giới. Năm 2007, khi lần đầu tiên Đà Nẵng chạm ngưỡng 1 triệu du khách, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng đã vui mừng thông báo, con số 1 triệu lượt khách được xem là thành công lớn của ngành du lịch Đà Nẵng sau một thời gian dài chậm lụt so với các địa phương lân cận như Quảng Nam, TT-Huế… Đây là kết quả bước đầu của chiến lược phát triển du lịch của Thành phố với sự khởi động mạnh mẽ các dự án đầu tư du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, đổi mới việc tổ chức các sự kiện du lịch để tạo sức thu hút khách cao, cải thiện môi trường du lịch.
Cùng với nỗ lực và sự quyết tâm bám sát mục tiêu chiến lược trong phát triển du lịch, Đà Nẵng đã vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch cúm A H5N1 để giữ được tỷ lệ tăng trưởng dương trong 2 năm 2008 và 2009. Dù khách quốc tế có giảm nhưng năm 2009 Đà Nẵng vẫn được tạp chí Smart Travel Asia bình chọn là Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.
Du khách quốc tế tham quan du lịch tại Đà Nẵng. |
Tăng trưởng dựa trên hạ tầng du lịch đồng bộ
Đà Nẵng đã thực hiện một kế hoạch phát triển du lịch bài bản với chính sách thu hút các dự án đầu tư cho du lịch. Một loạt các dự án được cấp phép trong đó có các dự án sử dụng vốn FDI với tổng mức đầu tư lên đến hơn 400 triệu USD. Cuối năm 2007, nhà ga T1 Đà Nẵng được khởi công và sự mở cửa của nhà ga năm 2011 đã trở thành một dấu mốc trong sự tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng.
Các sản phẩm du lịch cao cấp hàng đầu thế giới được triển khai như sân Golf và biệt thự biển của VinaCapital, khu du lịch Sơn Trà & Spa, khu du lịch Olalani, khu du lịch Bãi Bắc...
Ngay thời điểm này, khi công suất buồng phòng các cơ sở lưu trú chỉ đạt 60%, thời gian lưu trú của khách chỉ đạt hơn 1 ngày, thành phố đã nhận ra ngay việc phát triển hạ tầng cần đồng bộ với việc phát triển các sản phẩm du lịch. Đây là việc làm để giữ chân khách và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ du lịch biển, dịch vụ lặn biển, thể thao biển, nâng cao chất lượng bãi tắm đêm, bãi tắm du lịch… sản phẩm quảng bá văn hóa như Bảo tàng điêu khắc Chăm. Sau này là các công trình mang tính biểu tượng như Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý, Cầu quay Sông Hàn, Cầu Vàng… Đồng thời là thu hút tổ chức các sự kiện giải trí, văn hóa, kinh tế chính trị thế giới như Giải đua thuyền buồm thế giới, Giải Golf Asia, Lễ hội pháo hoa quốc tế và đặc biệt là Hội nghị cấp cao APEC…
Cùng với đó là chính sách cải thiện môi trường du lịch. Thành tựu đáng kể, năm 2012, tại Hội nghị năng lượng diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44, Đà Nẵng đã được bình chọn là Top 20 thành phố sạch nhất hành tinh. Năm 2013, Bãi biển Mỹ Khê được xướng danh trong Top 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Năm 2014, top 1 khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới là InterContinental Da Nang Penisula Resort đã góp phần khắc tên Đà Nẵng trên bản đồ du lịch cao cấp khắp 5 châu.
Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới là InterContinental Da Nang Penisula Resort đã góp phần khắc tên Đà Nẵng trên bản đồ du lịch cao cấp khắp 5 châu. |
Năm 2018, Đà Nẵng đã đón 7,7 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế chiếm hơn 2,8 triệu lượt, đóng góp vào GRDP của Thành phố hơn 24.000 tỷ đồng và giải quyết hàng triệu việc làm từ du lịch.
Tăng trưởng về số lượng đi kèm với chất lượng dịch vụ
Đà Nẵng kiên trì thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Đào tạo và kiểm duyệt cấp phép cho đội ngũ hướng dẫn viên đồng thời với việc thúc đẩy quảng bá du lịch trong nước và các thị trường quốc tế. Sở Du lịch cũng thực hiện rà soát chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ để xét duyệt tiêu chuẩn xếp hạng cho các cơ sở du lịch kỹ lưỡng đảm bảo tránh buông lỏng trong giai đoạn bùng nổ của du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố cũng vào cuộc để ngăn chặn và hạn chế các tour du lịch giá rẻ có thể gây tác động tiêu cực nhằm phá vỡ hệ sinh thái du lịch đã được xây dựng theo mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
Với những bước đi vững chắc, chiến lược phát triển toàn diện và đồng bộ, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào đề án xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đà Nẵng sẽ đón 21 triệu lượt khách gấp 3 lần lượng khách du lịch đến Đà Nẵng hiện nay, góp phần tạo ra doanh thu lớn trong 62 – 65% tỷ trọng của ngành dịch vụ trong tổng cơ cấu GRDP của Thành phố.
Tác giả: Đ.Tuấn - Đ.Hoàng
Nguồn tin: Báo Tổ quốc