Các em học sinh trải nghiệm trồng rau tại HTX rau Tuý Loan (huyện Hoà Vang). Ảnh: VGP/Minh Trang |
Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, tại Thành phố đến nay đã hình thành 6 cánh đồng lúa hữu cơ với diện tích gần 150 ha và đến năm 2020 sẽ đạt 500 ha. Vì vậy, việc tạo ra sản phẩm hữu cơ với sự phát triển đồng bộ, hiệu quả sẽ tạo ra được những điểm tham quan du lịch.
Đại diện Phòng Quy hoạch phát triển thương mại du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch Thành phố cùng với UBND huyện Hòa Vang và một số đơn vị lữ hành đã tổ chức khảo sát để tiến tới hình thành một số dịch vụ du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng tại huyện này. Bước đầu, một số đơn vị đã đưa khách đến du lịch trải nghiệm ở làng Phong Nam (xã Hòa Châu), thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn).
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp còn manh mún, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, Sở Du lịch đang phối hợp UBND huyện Hòa Vang, Sở NN&PTNT, Hội Lữ hành… tổ chức rà soát lại các tiềm năng, lợi thế để hình thành một số sản phẩm dịch vụ. Từ đó sẽ hình thành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư du lịch làng quê, làng nghề kết hợp đầu tư du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Là một trong hai xã của Đà Nẵng có đồng bào Cơ Tu sinh sống, xã Hoà Bắc đang xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hoá người Cơ Tu thông qua các tour tham quan làng bản, thưởng thức ẩm thực truyền thống, xem múa cồng chiêng..
Hiện xã Hòa Bắc đã tổ chức cho bà con đi học nghề dệt, ẩm thực, văn nghệ để có thể làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Xã cũng đang tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nơi lưu trú để khách có thể trải nghiệm cuộc sống của đồng bào.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, tính gắn kết chưa cao, nên rất sự kết nối của các cơ quan chức năng cũng như sự hỗ trợ đầu tư cần thiết và sự góp của các đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ.
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết cần phải xây dựng một kế hoạch rõ ràng, xác định cho được vùng nào có thể phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tập trung tuyên truyền quảng bá có hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu du lịch phải gắn với chất lượng dịch vụ để tọa được sản phẩm du lịch an toàn. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các bên liên quan, các đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng để chung tay đưa sản phẩm vào thực tiễn.
Những đề xuất của địa phương sẽ được Bộ NN&PTNT tổng hợp rồi đưa ra định hướng và chính sách phát triển sinh thái nông nghiệp.
Tác giả: Minh Trang
Nguồn tin: Báo Chính phủ