Khoảng 16 trận động đất mạnh trên cấp độ 4,5 xảy ra hôm 21-8 theo sau 53 cơn địa chấn hai ngày trước đó. Các trận động đất này làm rung chuyển Indonesia, Bolivia, Nhật Bản và Fiji nhưng chưa lan tới bờ Tây nước Mỹ. Khu vực nằm trên đoạn đứt gãy của Vành đai lửa Thái Bình Dương - một chuỗi 452 núi lửa và địa điểm hoạt động địa chấn cao độ bao quanh Thái Bình Dương.
Ông Sudesh Deonorine đứng trước ngôi nhà bị hư hại sau trận động đất ở thị trấn Princess trên quốc đảo Trinidad và Tobago hôm 22-8 Ảnh: REUTERS |
Fiji bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 5 trận động đất trên cấp độ 4,5 diễn ra từ hôm 20-8, theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Đáng chú ý, một trận động đất mạnh cấp độ 8,2 xảy ra ở Thái Bình Dương gần Fiji và Tonga hôm 19-8 nhưng do tâm chấn sâu nên không gây thiệt hại đáng kể. Hai ngày sau đó, Venezuela và Trinidad hứng chịu trận động đất cấp độ 7,3 khiến nhiều nhà cửa bị phá hủy.
Trong khi đó, đảo Bali - Indonesia hôm 23-8 chứng kiến thêm trận động đất cấp độ 5,2 có tâm chấn cách TP Denpasar khoảng 100 km về phía Tây. Đây là trận động đất thứ 5 xảy ra tại Indonesia trong vòng một tháng qua. Trước đó, hai trận động đất mạnh 6,3 và 6,9 tại đảo Lombok hồi đầu tháng này khiến 500 người thiệt mạng và 1.300 người bị thương.
Theo báo New York Post, các trận động đất dồn dập làm gia tăng nỗi lo về một trận siêu động đất mạnh cấp độ 9 xảy ra trên đới hút chìm Cascadia, đe dọa tàn phá bờ Tây nước Mỹ và gây sóng thần. "Nhiều người dân California từng trải qua động đất nhưng hầu hết chưa chứng kiến động đất mạnh" - ông Richard Aster, chuyên gia địa vật lý tại Trường ĐH bang Colorado (Mỹ), cảnh báo mới đây.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) cho biết một trận động đất mạnh như thế sẽ gây sóng thần và có thể làm chết hơn 11.000 người, làm bị thương hơn 26.000 người. Vào ngày 26-1-1700, một trận động đất ước tính mạnh cấp độ 8,7 - 9,2 xảy ra trên đới hút chìm Cascadia, gây ra sóng thần lan đến bờ biển Nhật Bản.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người lao động