Bán đất lấy tiền là sai
Trước hết, ông khẳng định ủng hộ mục đích di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra ngoại thành, tuy nhiên, dời đi rồi sẽ sử dụng quỹ đất đó như thế nào thì Đà Nẵng phải tính.
Đất dời ga phải để ưu tiên phục vụ các mục đích công cộng. Ảnh: CafeLand |
"Nếu di dời ga Đà Nẵng để lấy đất chia lô đem bán để thu tiền thì chỉ đạt được một mục đích duy nhất là có tiền, nhưng không đạt được mục đích quy hoạch.
Mục đích chính của việc di dời ga Đà Nẵng là để lấy quỹ đất điều chỉnh quy hoạch của thành phố. Đất dời ga phải được ưu tiên dành cho các công trình công cộng, làm quỹ đất để hoán đổi cho những nơi thiếu cây xanh vườn hoa bãi để xe... Đà Nẵng phải tập trung ưu tiên cho mục đích này.
Do đó, quỹ đất sau khi di dời phải được trả lại cho thành phố, quyết định sử dụng vào mục đích gì phải được lấy ý kiến công khai, thông qua các phiên tổ chức đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu chung của quy hoạch", KTS Hồ Duy Diệm nhấn mạnh.
Vấn đề tiếp theo là kinh phí di dời ga Đà Nẵng. Vị KTS cho rằng, theo dự toán của Đà Nẵng và Bộ GTVT, tổng nguồn vốn cần phải có để thực hiện công tác di dời ga Đà Nẵng dự tính khoảng 5.700 tỷ đồng cho các hạng mục như xây dựng mới nhà ga Đà Nẵng, Kim Liên, cầu vượt đường sắt,… là con số thiếu thực tế, không thể đáp ứng được.
"Bên cạnh những chi phí cho các hạng mục di dời chính, thì riêng công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cũng cần tới một số tiền rất lớn.
Ngoài ra, khi thực hiện công tác giải tỏa, Đà Nẵng cũng phải tìm kiếm được quỹ đất mới để di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực ga cũ, giúp họ ổn định đời sống. Việc này cũng phải cần tới một số tiền rất lớn nữa.
Chỉ nhìn qua như vậy đã có thể dự tính kinh phí để thực hiện việc di dời ga Đà Nẵng chắc chắn sẽ bị đội lên cao hơn gấp nhiều lần con số 5.700 tỷ mà Bộ GTVT tạm tính.
Trong bối cảnh hiện nay Đà Nẵng rất khó có thể thực hiện được, khó có thể xoay trở được một nguồn kinh phí lớn như vậy", vị KTS nói.
Nói rõ thêm mối lo về kinh phí, vị KTS cho rằng, các nguồn thu của Đà Nẵng rất eo hẹp, thu ngân sách thành phố chủ yếu dựa vào nguồn thu chính từ du lịch. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp các khoản kinh phí để chi trả cho những dự án xây dựng đã hoàn thành.
Tính riêng dự án cầu vượt Ngã ba Huế, hiện Đà Nẵng còn đang nợ chủ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, chưa có nguồn thanh toán. Ngoài ra còn một số dự án khác.
Vì vậy, nếu Đà Nẵng quyết tâm thực hiện dự án di dời thì cần phải có phương án huy động vốn khả thi nhất chứ không thể dựa vào nguồn lực của địa phương và cũng không thể chỉ dựa vào nguồn thu từ đất.
"Việc tính toán không sát, không chuẩn tổng mức đầu tư ban đầu của dự án sẽ khiến thành phố rơi vào thế bị động, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ, gây đội vốn, làm dự án kiểu chắp vá, làm tới đâu hay tới đó... thậm chí còn phải bỏ dở dự án gây ảnh hưởng lớn tới đời sống, kinh tế, xã hội. Gây thiệt hại lớn tới nguồn lực của ngân sách địa phương", KTS Hồ Duy Diệm cảnh báo.
Chưa phải ưu tiên số 1
Nhắc lại quan điểm ủng hộ việc di dời ga Đà Nẵng, song KTS Hồ Duy Diệm lại cho rằng huy động nguồn lực để di dời ga Đà Nẵng không được xác định là nhiệm vụ số 1.
"Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, tôi thấy có một nhiệm vụ đặt ra cho Đà Nẵng mà tôi cho rằng đó mới là nhiệm vụ số 1 cần phải thực hiện ngay, đó là, phát triển khu kinh tế biển.
Nếu Đà Nẵng tập trung được nguồn lực xây dựng và phát triển khu kinh tế biển thì đây sẽ là điểm kết nối, kích thích tăng trưởng kinh tế không chỉ riêng với Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa kết nối với hệ thống kinh tế ven biển của cả nước.
Việc này sẽ tạo thêm lực hút đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư tại Đà Nẵng. Khi kinh tế phát triển, xã hội ổn định, Đà Nẵng sẽ có cơ sở thúc đẩy phát triển, hoàn thiện các dự án hạ tầng", KTS Hồ Duy Diệm chỉ rõ.
Tác giả: Hoài An
Nguồn tin: baodatviet.vn