Giáo dục

Đề Văn lớp 8 ra về “đức dày”, “tứ tán”: Học sinh của chúng ta quá giỏi!

Đọc đề thi học kỳ môn Văn lớp 8 ở quận 3, TPHCM vừa qua, ngay đến người lớn chúng ta đọc vào còn rối bù lên vì ngữ liệu hàm chứa quá nhiều thông điệp…

Cứ mỗi kỳ kiểm tra giữa năm hay cuối năm lại rộ lên câu chuyện về đề thi hay, lạ. Đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi đổi mới cách kiểm tra, đánh giá cũng như yêu cầu xây dựng đề thi theo hướng mở, tăng tính thực tiễn và ứng dụng thì lời tranh cãi về một đề thi hay - dở, khó - vừa sức lại xảy ra.

Dù người ra đề và người đọc đều kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình nhưng có những đề thi buộc chúng ta phải băn khoăn, trăn trở về độ khó đến mức không tưởng của nó. Chẳng hạn đề thi học kỳ môn Văn lớp 8 ở quận 3, TPHCM vừa qua.

Cụ thể trong câu nghị luận xã hội có dẫn ra đoạn văn của nhà văn Nguyễn Khải: “Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp, sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng”. Đề bài yêu cầu viết đoạn văn nghị luận khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ về những điều được gợi ra từ nội dung trên.

Thú thật, ngay đến người lớn chúng ta đọc vào còn rối bù lên vì ngữ liệu hàm chứa quá nhiều thông điệp. Đó là vai trò của văn hóa tinh thần so với giá trị vật chất? Đó là sự sa sút về lối sống thực dụng của thanh niên hiện nay? Hay bàn về việc cha mẹ nuông chiều quá mức làm con cái hư hỏng?...

Học sinh muốn viết đoạn văn, trước hết phải xác định được vấn đề nghị luận. Tuy nhiên, nội dung cốt yếu mà đề văn muốn chuyển tải đang bị phân tán. Người đọc rất dễ bị sa đà vào một khía cạnh nào đó mà bỏ qua vấn đề cốt lõi. Mà đáp án chấm văn thường dựa vào ý, đúng ý là có điểm. Vì vậy, tình trạng các em viết lạc đề, mất điểm rất dễ xảy ra.

Đó là còn chưa kể đến việc đoạn văn sử dụng khá nhiều câu chữ mang tính triết lý sâu xa, những câu từ xa lạ với nhận thức, tầm suy luận của học sinh lớp 8, nào là “con người… mỏng”, “bay biến tứ tán”, “đức dày”,… Các em cần một khoảng thời gian vừa đủ để đọc - hiểu một đoạn ngữ liệu, nghiền ngẫm, xác định vấn đề, lập ý và viết đoạn. Tất cả mọi công đoạn đều chỉ diễn ra tầm 15 phút bởi khoảng thời gian còn lại phải chia ra để thực hiện bài tập Tiếng Việt và phần lớn thời gian dành để viết bài văn thuyết minh về chiếc cặp.

Theo lời bà Dương Hữu Nghĩa - Phó phòng GD&ĐT Q.3 thì khẳng định đề thi “làm khó” học sinh là hơi gượng ép. Và lý giải của bà thật sự không thuyết phục được dư luận. Bởi lẽ đối tượng đọc - hiểu và trình bày suy nghĩ của mình là học sinh lớp 8, lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Các em chưa đủ tầm nhận thức, quan sát, suy ngẫm về những vấn đề mang tính thời cuộc đổi thay.

Trong khi đó, có biết bao nhiêu vấn đề gần gũi, vừa sức tiếp nhận của học sinh, chẳng hạn tính lễ phép, sự khiêm tốn, tính trung thực, lòng tự trọng… Ngữ liệu minh họa cũng vô cùng phong phú, có rất nhiều mẩu chuyện hay trong văn học, trên báo chí, trong cuộc sống có thể trích dẫn. Quan trọng là ngữ liệu được lựa chọn phải mang tính giáo dục, hướng các em đến chân - thiện - mĩ.

Xét về khía cạnh chương trình, nghị luận xã hội không phải là trọng tâm kiến thức và kỹ năng mà các em được học trong học kỳ 1 lớp 8 này. Phần tập làm văn kỳ này tập trung vào hai kiểu văn bản: tự sự và thuyết minh. Phần văn nghị luận là trọng tâm chương trình tập làm văn học kỳ hai. Các em chỉ mới làm quen kỹ năng làm văn nghị luận ở học kỳ 2 lớp 7, chỉ mới trau dồi cách lập luận chứng minh và giải thích trong vòng một học kỳ.

Sang năm lớp 9, các em mới chính thức học bài bản về nghị luận xã hội, cụ thể là hai dạng bài: Nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Vậy mà nghịch lý là phải làm bài thi về văn nghị luận xã hội từ nửa đầu năm lớp 8. Thực học và thi cử kiểu đó khác gì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”?

Thử hỏi: Thầy cô rèn cho các em vào giờ nào? Các em tự luyện dạng văn này thế nào? Một vấn đề đơn giản là trình tự trước sau của kiến thức, kỹ năng cần được kiểm tra đúng thời điểm nhưng cứ mãi vi phạm. Học sinh của chúng ta năm nào cũng phải “vượt vũ môn” như thế đó. Quả thật các em quá giỏi!

Và phải chăng thầy cô luôn mặc định học sinh giỏi, tài, ứng biến tốt như thế nên mới có phóng bút ra đề về “đức dày”, “tứ tán”?

Tác giả: Thùy Mai

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Đề Văn lớp 8 , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP