Phía trên yêu cầu này là một bức ảnh vẽ một chiếc thuyền giấy nằm trên mặt nước, dưới đáy thuyền có buộc phía dưới một bóng điện sáng to hơn chiếc thuyền một chút.
Bức ảnh trong đề thi Học sinh giỏi Văn tỉnh Bắc Giang gây nhiều tranh cãi về thông điệp, ý nghĩa… |
Ngay sau khi xuất hiện trên một diễn đàn văn học, đề văn trên đã thu hút hàng nghìn bình luận đối với câu hỏi 1.
Được biết, đây là đề thi để chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Bắc Giang. Bài thi vừa được tổ chức vào ngày 17/9 vừa qua với thời lượng 180 phút cho 2 câu hỏi do Trường THPT Chuyên Bắc Giang phụ trách ra đề và tổ chức.
Theo cô Phạm Thị Thanh Bình - tổ trưởng tổ Ngữ văn, thành viên của tổ ra đề thi chọn đội tuyển thi HSG Quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Bắc Giang, đây là "dạng đề mở" đi kèm đáp án mở. Mục đích hướng đến của đề thi là tìm học sinh có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng một hình ảnh với thực tiễn xã hội.
|
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đề thi đã gây thu hút mạnh. Các ý kiến phản đối cho rằng, đề thi đã lạm dụng kênh hình ảnh không cần thiết và có tính đánh đố. Tuy nhiên, rất nhiều người ủng hộ và nhiệt tình đưa ra các giả thuyết sáng tạo, đầy sâu sắc để giải thích cho bức ảnh dưới nhiều góc độ: văn học, vật lý, thơ ca…
Bạn Hoàng Thu Trang bình luận: “Bóng đèn có thể là sự sáng tạo, những sáng kiến, bị kìm hãm bởi chiếc thuyền giấy nhỏ bé, trong khuôn khổ của định kiến, bị buộc chặt vào những lối mòn tầm thường của xã hội. Nó vẫn phát sáng nhưng sự phát sáng đó dưới lòng nước là vô nghĩa. Giống như con người, có tài năng, óc sáng tạo nhưng nếu đặt không đúng chỗ, lại bị kìm hãm thì tất cả những tố chất đó sẽ trở nên vô dụng”
Bạn Đỗ Bảo Ngọc lại cho rằng “Cộng sinh, bù trừ, nâng đỡ nhau tồn tại và phát triển. Đó rất có thể là thông điệp của bức tranh trên".
Ngọc phân tích: "Chiếc thuyền làm bằng giấy rất mỏng manh, có thể bị chìm, bị quật ngã trước sóng biển khơi. Chiếc đèn nằm dưới như để định vị, cân bằng, bảo vệ chiếc thuyền trong thời gian dài hơn nữa. Chiếc đèn vẫn có thể nổi khi không có thuyền nhưng lênh đênh, vô định.
Con thuyền như kim chỉ nam giúp chiếc đèn có thể bám trụ lại, tìm được phương hướng và đích đến của mình. Sợi dây chính là thứ ràng buộc chúng lại với nhau, để hai vật tưởng chừng không liên quan lại trở thành có mối quan hệ mật thiết, cộng sinh, giúp đỡ, bảo vệ nhau cùng tồn tại.
Cũng giống như vậy, chiếc thuyền như con người, bóng đèn là tri thức. Mặt nước là giới hạn, còn sợi dây là mối liên kết. Con người sẽ mau chóng bị chết, bị lãng quên, bị tan theo dòng đời nếu không có tri thức.
Tương tự vậy, tri thức còn đó nhưng cũng không thể được khai phá, khai sáng nếu không có bàn tay và khối óc con người. Và chỉ có con người mới có thể đặt tri thức nhân loại ở vị trí phù hợp, phục vụ đời sống và nhu cầu. Mặt nước chính là giới hạn để con người và tri thức cân bằng ở đúng vị trí của mình.
Khối óc, trí tuệ con người luôn phải đặt bên trên để chiếm lĩnh khoa học, thắp sáng bóng đèn. Chúng được liên kết với nhau bằng sợi dây có thể hiểu là nghị lực, ý chí, quyết tâm.
Bạn Vương Toàn Thắng lập luận: “Bóng đèn trong đề có vẻ đang chìm, nhưng thực tế là do bóng đèn tuy được làm từ những vật liệu có tỷ trọng nặng hơn nước (thủy tinh, kim loại,...) nhưng do kết cấu bóng chân không nên có thể tích chiếm chỗ lớn làm cho tổng khối lượng của cả khối vật thể nhỏ hơn so với khối lượng nước với thể tích tương ứng, điều này giải thích sự nổi của bóng đèn theo định luật Archimedes, điều này có thể và đã được chứng minh bằng thực nghiệm.
Từ đó ta nhận thấy ẩn ý của đề bài nói tới là sự phi logic trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và ra đề học sinh giỏi văn nói riêng”.
Bạn Lê Thế Bảo thậm chí còn nảy ra tứ thơ để giải nghĩa bức ảnh trong đề Văn:
“Thuyền giấy và bóng đèn”
Mong manh và dễ vỡ
Cuộc đời là thuyền giấy
Ánh sáng là niềm tin
Mặt nước vẫn lặng im
Hay đại dương huyền ảo
Sẵn sàng cơn giông bão
Vùi dập ánh sáng kia
Mặc dù không nguồn sáng
Le lói giữa mênh mông
Chắc đó là ý chí
Thắp sáng cả tương lai
Mặc cho nhiều chông gai
Đời ta... ta tiến bước...
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí