Ngày 29/3 này, thành phố biển Đà Nẵng kỷ niệm 49 năm ngày quê hương giải phóng. Gần nửa thế kỷ với bao nhiêu thăng trầm, Đà Nẵng đã trở thành đáng sống và là trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa vươn lên mạnh mẽ như kỳ vọng, nhất là trong những năm gần đây, tốc độ phát triển có dấu hiệu chững lại. Làm gì để Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên là khát vọng lớn lao của cán bộ và nhân dân thành phố này.
Với vị trí địa chính trị quan trọng, Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Năm 2003, Bộ Chính trị có Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thực hiện Nghị quyết 33, tình hình kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng phát triển tương đối toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục ở mức khá cao. Đến năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 43 về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thành phố biển Đà Nẵng định hướng trở thành trung tâm Logistics |
5 năm thực hiện Nghị quyết 43, kinh tế của thành phố Đà Nẵng có bước phát triển mới; Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; Tăng trưởng kinh tế được duy trì, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong vùng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90% trong GRDP thành phố; Một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hoá đạt 87,45%, cao nhất cả nước. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng.
Văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế của thành phố này đều có bước phát triển nhanh; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nhiều việc làm mới được tạo ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm đến mức thấp; công bằng xã hội được bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết. “Thành phố kịp thời ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết với 525 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (tỷ lệ 21,5%), đang triển khai 390 nhiệm vụ (tỷ lệ 74,3%)… Theo đó, bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách”, ông Quảng cho biết.
Khu vực xây dựng cảng Liên Chiểu |
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá. Nguyên nhân chính là thời gian vừa qua, thành phố phải tập trung giải quyết, khắc phục nhiều vần đề lớn được chỉ ra sau kết luận thanh tra, điều tra. Trong đó có nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết nên đến nay kết quả thực hiện chưa được như mong muốn. Một nguyên nhân nữa là Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Thứ ba là điểm nghẽn về thể chế và các quy định không còn phù hợp chưa được tháo gỡ.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đầu tư công ở TP Đà Nẵng giảm xuống cũng là nguyên nhân khiến Đà Nẵng chững lại. Thực tế 5 năm qua, các tỉnh/thành phố có phong trào “xin cơ chế đặc thù”, điều này cho thấy cơ chế, thể chế có sự trói buộc mà địa phương nào muốn phát triển được thì phải xin cơ chế đặc thù.
Trong bối cảnh đó ông Thiên cho rằng, Đà Nẵng phải định hình ra một cách làm mới, một trạng thái phát triển mới. Ban Kinh tế Trung ương nên mạnh dạn đề xuất cho Đà Nẵng xây dựng khu thương mại tự do thế hệ mới, hệ sinh thái công nghiệp hoàn toàn mới, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao.
“Không nên chỉ dừng lại ở những chính sách, cơ chế, TP Đà Nẵng cần phải đề xuất những dự án đột phá mạnh. Những dự án này cho phép Đà Nẵng thí điểm những cơ chế và chính sách mới vào cách tiếp cận khu công nghiệp, khu công nghệ cao; trung tâm đào tạo gắn với đổi mới sáng tạo và khu thương mại tự do,…Những dự án đột phá mạnh như vậy sẽ giúp cho đất nước mở ra những thể chế mới, không phải là chỉ là dự án riêng cho Đà Nẵng”, ông Thiên nêu.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - người từng tham gia xây dựng Nghị quyết 33 năm 2003 của Bộ Chính trị về phát triển TP Đà Nẵng, dẫn số liệu tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng trong 4 năm qua để chứng sự tăng trưởng. Ông cho rằng, Đà Nẵng không thể trông chờ vào bất động sản như những năm trước, cần định hướng rõ hơn về công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng đang xây dựng cảng biển Liên Chiểu, rất cần nguồn hàng sau cảng.
Theo ông Trần Du Lịch, Đà Nẵng cần làm rõ hơn mô hình chính quyền đô thị, trên nền tảng phải đồng bộ 3 nội dung: Thể chế; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Về mô hình, Đà Nẵng nên có một cấp chính quyền và một cấp hành chính. Về thể chế, Đà Nẵng tham khảo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, đặc biệt là phải có cơ chế vượt trội thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, khu thương mại tự do.
“Trong năm 2024 TP Đà Nẵng chuẩn bị về thể chế và nguồn lực về con người để tạo tăng tốc trở lại trong những năm từ 2026-2030. Có như vậy mới bù được những gì đã qua với tầm nhìn khác, một cơ cấu khác, một mô hình quản lý khác và hiệu quả khác. Những cái đó sẽ khác hoàn toàn giai đoạn 2003- 2018”, TS. Trần Du Lịch lưu ý.
Đà Nẵng định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Góp ý cho việc xây dựng cơ chế đặc thù, có tính vượt trội đối với Đà Nẵng, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP Đà Nẵng cần đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện của địa phương. Trong đó, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Mục tiêu là làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như thực hiện các dự án trọng điểm, tạo bước đột phá trong phát triển cũng như tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước; đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.
Thứ hai là thành phố cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sức hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách. Tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu từ tư; trong đó, tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đối với các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, liên kết vùng trong các hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thứ ba là tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI theo 4 định hướng lớn là chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có sự cam kết chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan Trung ương xây dựng Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 119 của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, để làm sao phát triển Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
“Bộ KH&ĐT sẽ cùng với thành phố tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, sản xuất thông minh. Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính thông qua việc tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI và PAPI và mức độ sẵn sàng cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó hướng tới kết quả thực chất tốt hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố”, Thứ trưởng Trần Duy Đông Khẳng định.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV