Tin địa phương

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý

Các tiêu chuẩn về một nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang dần hiện hữu và ngày càng thắt chặt cũng là rào cản cho các doanh nghiệp của Đà Nẵng hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng năm 2023 do Cục Thống kê Đà Nẵng tổ chức ngày 29/12.

Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022. Trong đó, mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện, khu vực dịch vụ đang là bệ đỡ cho kinh tế của Đà Nẵng, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện; tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Trong năm 2023, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.173 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 18.059 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 6,7% về số doanh nghiệp và giảm 20,6% về số vốn so với năm 2022.

Theo ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng, kinh tế Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhưng xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý, một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các nước đối tác.

Ông Vũ cho rằng, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất thu hẹp quy mô do đơn hàng cắt giảm, lĩnh vực xuất, nhập khẩu không thuận lợi do nhu cầu ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước đối tác giảm, một số chuỗi cung ứng gián đoạn,...

Các tiêu chuẩn về một nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang dần hiện hữu và ngày càng thắt chặt cũng là rào cản cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của thành phố.

Đặc biệt, bên cạnh ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới phải kể đến những hạn chế từ thị trường trong nước và địa phương như kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng nhưng chưa đồng đều và phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Bên cạnh những ngành có tốc độ tăng trưởng dương thì hoạt động bất động sản, lĩnh vực bán buôn, xây dựng, chế biến, chế tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Một điểm sáng của Đà Nẵng trong năm qua là thu hút đầu tư trong nước khi địa phương đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 46.992 tỷ đồng. Cụ thể, Đà Nẵng cấp mới cho 25 dự án với tổng vốn đầu tư là 9.081,4 tỷ đồng (có 14 dự án trong khu công nghiêp, tổng vốn đầu tư 2.490,8 tỷ đồng và 11 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 6.590,6 tỷ đồng).

Đồng thời, có 17 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 37.910,5 tỷ đồng (có 10 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, tổng vốn tăng thêm 113,1 tỷ đồng và 7 dự án ngoài khu công nghiêp, tổng vốn tăng thêm 37.797,4 tỷ đồng.

Về thu hút FDI, Đà Nẵng đã cấp mới 104 dự án với vốn đăng ký đạt 151,2 triệu USD trong năm 2023. Đồng thời, có 42 lượt dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm đạt 20,2 triệu USD, có 37 lượt nhà đầu tư vốn góp mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 10,7 triệu USD.

Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm sơ bộ cả năm đạt 185 triệu USD, giảm 37,8% so với năm 2022. Trong giai đoạn 2021-2023, số dự án cấp phép mới bình quân mỗi năm tăng 6,1%. Tuy nhiên, giá trị góp vốn FDI đạt thấp làm thu hẹp quy mô vốn FDI thực hiện trong năm 2023, ước tính cả năm, vốn FDI thực hiện từ phía đối tác nước ngoài ước đạt 125,4 triệu USD, giảm 43,8% so với năm 2022.

Theo Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn do siết chặt cho vay của các ngân hàng, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp yếu, việc thanh tra các dự án, đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường bất động sản làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, cắt giảm lãi suất… chưa mang lại hiệu quả cao và khó tiếp cận.

Cục thống kê Đà Nẵng nhận định, năm 2024, nền kinh tế thành phố sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen do tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập của quá trình khắc phục các hạn chế trong thời gian qua chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, khó khăn về tài chính, năng lực cạnh tranh thấp... sẽ tiếp tục là rào cản cho phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2024. Dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của Đà Nẵng chưa thể bứt phá được như giai đoạn trước dịch COVID-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%.

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP