Theo nguồn tin do Japan Times cung cấp, vụ việc sửa điểm thi tại trường đại học này đã xuất hiện từ khoảng năm 2010 với lý do nhằm tránh tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại các bệnh viện.
Nguồn tin mật này tiết lộ, các nhà quản lý của trường Đại học Y Tokyo cho rằng, các bác sĩ nữ thường có xu hướng dễ nghỉ việc hơn, nhất là sau khi kết hôn và sinh con là khá lâu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.
Do đó, trường đại học này đã giảm tối thiểu từ 10 đến 20% số điểm đầu vào của các ứng viên nữ, nhằm dập tắt hi vọng trở này bác sĩ của những thí sinh này.
Trường Đại học Y Tokyo là một trong những trường đại học danh tiếng nhất tại Nhật Bản. Ảnh: Japan Times |
Phát ngôn viên của Đại học Y Tokyo, ông Fumio Azuma cho biết, nhà trường sẽ tiến hành điều tra nội bộ về cáo buộc trên.
Vụ việc này chỉ được phơi bày sau một cuộc thăm dò nội bộ được thực hiện tại trường khi các công tố viên đang tiến hành điều tra vụ bê bối hối lộ có liên quan đến Giám đốc đã từ chức của ngôi trường này.
Trước đó, vào hồi tháng 7 vừa qua, chủ tịch và hiệu trưởng của ngôi trường đại học danh tiếng của Tokyo được cho là đã nhận con trai ông Futoshi Sano, một quan chức giáo dục cấp cao, vào học tại trường dù không đủ tiêu chuẩn để đổi lại một khoản trợ cấp tài chính.
Theo Japan Times, công tác tuyển sinh của trường Đại học Y Tokyo gồm 2 vòng, vòng 1 là thi trắc nghiệm, những người vượt qua vòng thi này sẽ tham gia vòng hai, thi viết luận và phỏng vấn. Do đó, rất nhiều thí sinh nữ đã bị hạ điểm ngay từ vòng đầu tiên nhằm hạn chế số lượng thí sinh nữ có thể tiến vào vòng 2.
Trong tổng số 1596 nam thí sinh và 1018 nữ thí sinh nộp đơn vào đại học này trong năm học 2018, có tới 303 thí sinh nam vượt qua vòng trắc nghiệm, trong đó số thí sinh nữ lọt vào vòng 2 vào chỉ là 148. Kết quả, có 141 thí sinh nam đã trúng tuyển vào nhà trường, trong khi con số này với nữ chỉ là 30!
Nhiều bác sĩ nữ đã lên tiếng tố cáo hành vi phân biệt đối xử thông qua gian lận thi cử này. Năm 2010, trước khi biện pháp sửa điểm được cho là áp dụng, nữ giới chiếm 40% tỷ lệ đầu vào ở Đại học Y Tokyo.
Kyoko Tanebe, thành viên Ban quản trị Hiệp hội Nữ chuyên gia y tế Nhật Bản, cho biết các trường đại học y khoa khác được cho là đã tham gia vào các hoạt động tương tự.
Nữ bác sĩ Ruriko Tsushima lên tiếng: "Tôi không thể tha thứ cho những gì mà ngôi trường này đã làm với những người học chăm chỉ để vào đại học, hy vọng trở thành bác sĩ". "Điều này không nên xảy ra ở một đất nước dân chủ nơi được cho là cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng", bà nhấn mạnh.
Trên mạng xã hội, nhiều bình luận nhận định, mặc dù sự bình đẳng trong y học đã được cải thiện theo thời gian, một số tổ chức vẫn không cho phép các nữ bác sĩ gánh vác các phẫu thuật quan trọng.
Phát biểu về bê bối, Bộ trưởng giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi khẳng định: "Việc phân biệt đối xử bất hợp pháp chống lại các ứng viên nữ trong kỳ thi tuyển sinh là không thể chấp nhận được".
Ông cũng cho biết Bộ Giáo dục đã có yêu cầu trường Đại học Y Tokyo phải báo cáo đầy đủ quá trình tuyển chọn ứng viên và có lời giải thích rõ ràng về cáo buộc này, trước khi tiến hành các biện pháp điều tra xử lý.
Tác giả: An Nhiên
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân