Tin địa phương

Đại gia ôtô bỏ hoang showroom, ôm tiền đổ về Đà Nẵng buôn đất

Sau Tết, nhiều ông chủ kinh doanh ô tô cũ ở Hà Nội bỏ cửa hàng, lũ lượt rủ nhau ôm tiền vào Đà Nẵng, Quảng Nam tranh thủ lướt sóng bất động sản. Tiền lãi “bỏng tay” so với buôn xe cũ khiến nhiều người lao vào.

Ô tô cũ ế thảm, đất nền lên ngôi

Có cửa hàng kinh doanh ô tô cũ trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội nhưng từ sau Tết đến Nguyên đán, Nguyễn Quang Anh không còn mặn mà với công việc bán xe nữa. Xe cũ mua từ cuối năm ngoái, tồn đọng nhiều, bán không ai mua. Bỏ mặc cửa hàng, anh rủ thêm 2 người bạn “cùng cảnh ngộ” vào Đà Nẵng, Quảng Nam theo trào lưu lướt sóng đất nền.

Quang Anh cho biết, sau Tết ô tô ế quá, toàn ngồi chơi nhìn đám xe chật kín cửa hàng mà ngao ngán. Phải nghĩ cách kiếm tiền bù đắp. Thấy có người mách nước tìm vào Đà Nẵng buôn đất, thế là anh nghe theo.

Nhiều đại gia Hà Thành kéo nhau vào Đà Nẵng, Quảng Nam lướt sóng đất nền

Sau Rằm tháng Giêng, cùng với hai người bạn, anh ôm 2 tỷ đồng đến thẳng xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Đất ở đây tăng giá chóng mặt. Nếu trước Tết, giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/100m² thì sau Tết đã đội lên gần 800 triệu. Có 2 tỷ trong tay, ba anh em mua một mảnh hơn 200 m2. Mua xong khoảng hơn một tuần bán sang tay được 2,2 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi người bỏ túi 70 triệu đồng. Tính ra, hiệu quả hơn bán ô tô cũ.

“Bọn tôi không dám ôm lâu vì thấy giá đất giờ cũng khá cao, có người hỏi mua là bán sang tay ngay thu hồi vốn. Vụ đầu tiên suôn sẻ, tiếp luôn vụ nữa ở Điện Bàn (Quảng Nam) bởi đất cũng đang tăng giá chóng mặt. Chúng tôi mua được một lô gần 300 m2, giá 1,8 tỷ đồng, xong hơn một tuần lại bán sang tay thu về 2 tỷ, lãi chia nhau. Nếu cứ làm chớp nhoáng như vậy, mỗi tháng có thể được 2-3 phi vụ, mỗi phi vụ chỉ cần lãi 70 triệu đồng thì một tháng mỗi người cũng thu 100-200 triệu đồng, nhẹ nhàng như mơ”, Quang Anh kể.

Sau hai vụ lướt sóng thành công, thông tin lan ra. Nhiều người trong giới kinh doanh ô tô cũ tại Hà Nội theo chân, bỏ lại cửa hàng, rủ nhau vào Đà Nẵng, Quảng Nam săn đất nền. Đến nay, hơn chục anh em kinh doanh ô tô cũ đã lập “căn cứ” tại Đà Nẵng, Quảng Nam, ngoài ra một số đổ về Cam Ranh (Khánh Hòa) buôn đất.

Cũng theo lời Quang Anh, rất nhiều dân buôn đất từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An,... đổ về Đà Nẵng và Quảng Nam, tất cả đều vì lợi nhuận. Thấy giá đất tăng khủng khiếp nên họ muốn nhanh tay kiếm lời. Các thông tin về quy hoạch như xây dựng trung tâm đại học, trung tâm hành chính mới tại Điện Bàn, một số đơn vị hành chính của thị xã Điện Bàn sẽ sáp nhập về Đà Nẵng, hay xây dựng khu thương mại, trường đua ngựa tại Hòa Vang,... đi đâu cũng nghe thấy.

Các trung tâm nhà đất vì thế mọc lên nhan nhản ở những nơi giá đất tăng vọt


Cùng với đó là đội ngũ “cò mồi” ngày đêm sục sạo khắp trong làng, ngoài ruộng tìm mua đất, khiến cho giá tăng cao gấp từ 3-5 lần so với thời điểm cuối năm 2018. Có nhiều người mua đất của dân, ký hợp đồng rồi đặt cọc tiền xong là bán sang tay ngay đã có lời. Có người vừa bán xong, nhưng thấy mảnh đất đó tăng giá nhanh quá, thế là mua lại, rồi lại bán. Cứ lòng vòng như vậy mà vẫn kiếm được tiền.

Cơ hội vàng?

Nói chuyện với một nhóm anh em kinh doanh xe cũ vừa từ Đà Nẵng ra, sau mấy phi vụ lướt sóng đất nền thành công, ai cũng vui vì kiếm được tiền.

“Biết là giá đất tăng ảo nhưng ai cũng lạc quan. Chúng tôi mua xong là bán ngay, không tham lãi lớn ôm lâu nên chẳng lo. Thấy mảnh đất nào ưng ý thì mua ngay không chần chừ, có người hỏi là bán ngay không tiếc vì lãi ít. Hơn nữa 3-4 anh em chung vốn, mua những mảnh nhỏ, nên rủi ro cũng không lớn”, một người trong nhóm kể.

Không những thế, có người còn đưa ra những phân tích không khác gì của chuyên gia lâu năm trong ngành bất động sản. Chẳng hạn, giá đất tăng, ngoài những lý do như quy hoạch, hạ tầng và chính sách vĩ mô,... còn theo chu kỳ. Cứ tính một chu kỳ từ 7-10 năm. Nhìn lại thị trường bất động sản, khủng hoảng vào năm 1997, rồi bùng nổ vào năm 2005-2009, sau đó lại khủng hoảng vào năm 2011-2015. Nếu xét theo chu kỳ trên thì 2018 bắt đầu thời điểm giá đi lên. Còn năm nay được coi là vô cùng quan trọng bởi mọi yếu tố rất thuận lợi.

Nhiều người lo ngại bong bóng bất động sản sẽ nổ ra tại Đà Nẵng

Với Đà Nẵng, năm 2017 đã đón nhận “cú hích” rất quan trọng là hội nghị APEC được tổ chức tại đây. Kể từ đó đến nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào bất động sản. Từ Đà Nẵng lan sang Quảng Nam, dự báo thị trường bất động sản tại đây còn đi lên khoảng 4 năm nữa. Nếu bỏ qua, sẽ mất cơ hội vàng.

Trên thực tế, đây đang là thời điểm đất nền tại nhiều nơi tăng giá chóng mặt. Ngay khu vực ven đô Hà Nội, từ cuối năm 2018 giá đã tăng cao. Tuy nhiên, dân kinh doanh ô tô cũ cho rằng, đất ven đô Hà Nội đắt hơn trong Đà Nẵng, Quảng Nam, hơn nữa giá đã cao nên ít người hỏi mua. Vì vậy, đổ vào “miền đất hứa” Đà Nẵng, Quảng Nam là thượng sách. Trong cuộc trò chuyện này, những thông tin về giá đất tăng theo ngày, nhiều người lãi khủng được kể rôm rả.

Trên thực tế, thị trường bất động sản tại một số địa phương thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam đang trong thời kỳ “hỗn loạn”. Việc tung tin quy hoạch, giả mạo chữ ký lãnh đạo, công văn để "lừa" các nhà đầu tư đã từng diễn ra. Các cơ quan chức năng tại đây đã phải ra văn bản cảnh báo về các thông tin sai lệch, đồn thổi. UBND huyện Hòa Vang gửi công văn xuống tận các xã tuyên truyền người dân cảnh giác với giới “cò” đổ xô về các vùng nông thôn “hét” giá nhằm tạo ra cơn sốt đất ảo.

Điều đáng lo ngại là dù đã được cảnh báo, người dân vẫn lao vào ôm đất do ham lãi khủng. Đặc biệt với các nhà đầu tư lướt sóng, họ chấp nhận phần may rủi 50-50, để có thể kiếm nhiều tiền trong một vài tháng.

Ý kiến từ giới chuyên môn khẳng định, bong bóng bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang hình thành. Nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư lướt sóng có thể gánh hậu quả bất kỳ lúc nào, nhất là những người mua cuối cùng.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: buôn đất , Đại gia , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP