Đúng quy định
Ngày 5/3, sở Tài nguyên & Môi trường TP.Đà Nẵng chính thức có văn bản phản hồi báo chí về việc địa phương này tăng giá đất theo Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp nhiều lần so với nợ gốc.
Đặc biệt là khoảng 5.300 hộ thuộc diện nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm, có trường hợp nợ từ vài trăm triệu đồng lên đến vài tỷ đồng.
Đây là vấn đề mà báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh trong bài viết: "7.000 hộ dân TP.Đà Nẵng "choáng", bỗng nợ tiền tỷ vì điều chỉnh giá đất".
Sở Tài nguyên & Môi trường TP.Đà Nẵng có văn bản phản hồi báo chí về việc dư luận xôn xao bảng giá đất mới quá cao. |
Theo sở Tài nguyên & Môi trường TP.Đà Nẵng, bảng giá đất được UBND TP xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành.
Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần, được công bố vào công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND TP điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các trường hợp điều chỉnh bảng giá đất như sau: "- Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; - Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên". |
Đối với TP.Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 (áp dụng kể từ ngày 1/1/2017). Trong thời gian thực hiện quyết định này thì giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản có nhiều biến động lớn, có một số khu vực biến động rất lớn.
Số liệu cho thấy, giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Đồng thời trong năm 2017 trên địa bàn thành phố đã tiến hành đặt mới tên đường một số tuyến đường, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.
Từ những căn cứ nêu trên và thực tế biến động về giá đất, sở Tài nguyên & Môi trường TP.Đà Nẵng nhìn nhận việc điều chỉnh giá đất là đúng quy định.
Hàng ngàn hộ dân gặp khó khi TP.Đà Nẵng điều chỉnh giá đất. |
Nói về quá trình ban hành bảng giá đất điều chỉnh lần này được cho là quá nhanh, khiến nhiều người dân "choáng", sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng, mọi việc đều được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật. Công tác này bắt đầu từ đầu năm 2018 và trải qua các sở, ban, ngành cho đến UBND các quận huyện trên địa bàn.
Khó khăn cho người dân
Chưa hết, liên quan đến vấn đề được đông đảo người dân quan tâm nhất là giá đất mới quá cao, khiến họ không đủ tiền nộp, ngành tài nguyên & môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, người dân nợ tiền đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm mà chưa trả hết nợ thì phải trả theo giá đất hiện hành.
UBND TP.Đà Nẵng nhận thấy việc phải nộp theo giá đất hiện hành tuy đúng quy định nhưng đã gây khó khăn cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP.Đà Nẵng đã báo cáo bộ Tài chính và các ngành liên quan để giải quyết vướng mắc việc thu nợ tiền sử dụng đất của người dân. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho bộ Tài chính tiến hành đánh giá, rà soát toàn diện tình hình ghi nợ tiền sử dụng đất hiện nay.
Cũng theo sở Tài nguyên & Môi trường TP.Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, UBND TP này đã có một số đề xuất liên quan đến nợ tiền sử dụng đất tái định cư. Tuy nhiên, những nội dung này chưa được Chính phủ đồng ý. UBND TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành về vấn đề này.
* Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin