Tin địa phương

Đà Nẵng: Trước thách thức thiếu nước sạch, thừa nước thải

Mấy năm gần đây, mật độ đầu tư, xây dựng các dự án resort, công trình cao tầng như khách sạn, căn hộ, chung cư…, tập trung mọc lên khu vực ven biển của Đà Nẵng khá mạnh. Điều này vừa đáng mừng và cũng là thách thức lớn với thành phố vì cơ sở hạ tầng về hệ thống cấp, thoát nước chạy đua không kịp.

Trước khi chọn giải pháp vẹn toàn, TP yêu cầu các sở, ban ngành thường xuyên theo dõi, kịp thời khắc phục các sự cố thiếu nước sinh hoạt cũng như khống chế nước thải tràn ra biển làm ảnh hưởng đến mỹ quan, gây hôi thối khu vực bãi tắm.

Đà Nẵng triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải và tuyến ống chuyển tải nước thải trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, hạng mục cải tạo cửa xả Mỹ An

Để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các khu dân cư, mặt khác lại phải khẩn cấp đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn nước thải tràn ra biển, gây hôi thối ảnh hưởng đến du khách tại các điểm tắm dọc theo bãi biển của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Chủ tịch UBND thành phố cũng đã thống nhất phương án thiết kế và dự toán công trình “Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và tuyến ống chuyển tải nước thải trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn”, hạng mục cải tạo cửa xả Mỹ An.

Được biết, dọc các tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, tổng cộng có 48 cửa xả nước mưa ra biển. Trong đó, cửa xả Mỹ An và Mỹ Khê là 2 cửa xả chính thoát nước cho lưu vực có tổng diện tích hơn 390ha (thuộc khu vực phường Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc của quận Sơn Trà và phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).Trong nhiều năm qua, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, từ các công trình cao tầng trộn lẫn nước mưa hoặc không thu gom hết đã chảy thẳng ra các bãi biển đẹp gây bức xúc cho người dân và du khách.

Tình trạng thiếu nước, mất nước sạch thường xuyên xảy ra tại một số khu dân cư nằm gần những căn hộ, khách sạn và tòa nhà cao tầng thuộc địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn

Với mục tiêu khắc phục nước ngập úng, đồng thời giải bài toán nước thải tràn ra biển làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Dự án được thiết kế sử dụng giải pháp: Hệ thống van phai hỗn hợp van cửa phai kết hợp với van lật, thay thế các van lật hiện tại nhằm hạn chế nước thải và mùi hôi trong cống thoát ra ngoài.

Quy trình hoạt động của hệ thống, trong trường hợp bình thường, van hỗn hợp luôn đóng kín, khi nước mưa trong cống vượt qua đỉnh van cửa phai sẽ tự động tràn ra ngoài thông qua các van lật bên trên. Khi mực nước trong cống quá tải, van cửa phai được kéo lên để đảm bảo nước mưa trong cống thoát hết ra ngoài. Việc đóng mở van phải được thực hiện tuần tự, tùy theo mực nước trong cống nhằm tiết kiệm chi phí vận hành nhưng vẫn đảm bảo thoát hết nước mưa ra ngoài, tránh ngập úng cho phần thượng lưu bên trên.

Tiến hành san gạt cát, lấp các rãnh nước, xử lý kịp thời tình trạng nước thải tràn ra biển và phun chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi hôi phát sinh tại các cửa xả ven biển, đặc biệt là cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan tại khu vực

Tiến hành san gạt cát, lấp các rãnh nước, xử lý kịp thời tình trạng nước thải tràn ra biển và phun chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi hôi phát sinh tại các cửa xả ven biển, đặc biệt là cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan tại khu vực

Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ và triển khai dự án trên, thành phố chỉ đạo thực hiện giải pháp tình thế, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tăng cường bố trí nhân vật lực, thường xuyên kiểm tra theo dõi tiến hành san gạt cát, lấp các rãnh nước, xử lý kịp thời tình trạng nước thải tràn ra biển và phun chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi hôi phát sinh tại các cửa xả ven biển, đặc biệt là cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan tại khu vực.

UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, BQL các dự án đầu tư CSHT ưu tiên, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải và các đơn vị liên quan khẩn trương bổ sung máy bơm để thay thế, dự phòng cho các máy bơm cũ và việc lắp đặt thí điểm cửa phai hỗn hợp tại cửa xả Mỹ An, hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 20/9.

Mới đây, nhà thầu thi công Hồng Trí Việt mặc dù chưa được cấp phép đấu nối xả thải của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn ngang nhiên xả thải trực tiếp gây tình trạng nước thải tràn ra biển

Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, mọi việc chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực, các Giám đốc của Sở Xây dựng, BQL các dự án đầu tư CSHT ưu tiên, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải và thủ trưởng các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.

Khắc phục tạm thời vấn đề thiếu nước, mất nước sinh hoạt thường xuyên tại các phường như: An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ (quận Sơn Trà); phường: Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cũng như các Xí nghiệp cấp nước tại Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã điều xe bồn chở nước đến các khu dân cư để hỗ trợ nước cho người dân.

Đà Nẵng đang và sẽ triển khai xây lắp hệ thống thu gom nước thải dọc các tuyến đường ven biển, đưa về các trạm xử lý nước thải

Nguyên nhân ban đầu của tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên là do thành phố đang vào mùa du lịch, lượng khách lưu trú lại rất nhiều. Mặt khác, do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước của người dân cao, mỗi ngày đêm sử dụng từ 310 nghìn đến 330 nghìn khối nước, tăng từ 1,5 đến 1,7 lần. Trong khi đó, tổng công suất của bốn nhà máy nước trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được 250 nghìn khối nước/ngày.

Theo điều tra của chúng tôi, đa phần những khu vực thiếu nước đều nằm gần những công trình, tòa nhà lớn. Một số hộ dân sông tại đường Đỗ Bí, phường Mỹ An cho biết, tình trạng thiếu nước, mất nước xảy ra ở đây kéo dài từ 3 đến 4 tháng nay, do lượng nước hút lên bồn cung cấp cho các tòa nhà cao tầng kia quá lớn, khiến đường nước trong khu dân cư bị yếu đi, có hôm cả ngày không có được giọt nước nào, về đêm thì nước có nhưng rất yếu, chỉ đủ hứng chưa trong xô, đủ để nấu ăn chứ không bơm lên bồn được.

Lý giải về vấn đề này, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thừa nhận tình trạng thiếu nước sạch tại khu vực 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, Dawaco cho rằng nhu cầu nước của khu vực 2 quận này ngày càng tăng, trong khi công suất của các nhà máy nước trên địa bàn đã vượt 25% công suất. Trước đây, quy hoạch cấp nước tại khu vực Sơn Trà chỉ đủ để phục vụ nhà dân, trong khi đó gần đây khu vực này khách sạn tăng lên quá nhiều dẫn đến phá vỡ quy hoạch cấp nước.

Tác giả: Võ Hà

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP