Mấy ngày qua, tại những vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị bố trí nhân viên thường xuyên theo dõi tại công trình, triển khai phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
Đối với các trạm bơm chống ngập ở khu vực Thuận Phước, các đường Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý quận Hải Châu; khu vực K20, quận Ngũ Hành Sơn luôn có người trực, xử lý kịp thời sự cố máy bơm bị hỏng hoặc mất nguồn điện. Các khu vực dân cư thấp trũng thường ngập úng trong những đợt mưa trước được chuẩn bị các máy bơm di động để kịp thời xử lý.
Đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu là khu đô thị tự phát nên không có hệ thống cống thoát nước |
Gần đây, tần suất các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có của thành phố Đà Nẵng nên dễ xảy ra tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập đô thị, thời gian đến, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp chống ngập. Trước mắt, các đơn vị thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý. Sở Xây dựng phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, UBND các quận, huyện tăng cường khơi thông cửa thu, mương thu nước theo phạm vi phân cấp quản lý; Mua sắm bổ sung máy bơm, máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị phục vụ công tác chống ngập úng đô thị.
Đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu thường xuyên ngập khi mưa lớn |
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hệ thống thoát nước thì không thể thay đổi một sớm một chiều được. Giải pháp trước mắt là làm sao tăng được khả năng hệ thống thoát nước đô thị hiện có. Đó là làm sao nước trên mặt đưa xuống cống nhanh nhất. Về giải pháp căn cơ lâu dài, thành phố đang triển khai đồ án quy hoạch cao độ nền, san nền cũng như, thoát nước thải. Dự kiến tháng 12 tới sẽ báo cáo UBND thành phố. Trong đó, đơn vị tư vấn phối hợp với Ban Quản lý Dự án hạ tầng ưu tiên triển khai đánh giá rất rõ ràng về hệ thống thoát nước của thành phố và có đề xuất những giải pháp rất lớn, căn cơ để xử lý.”
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng |
Trước mắt, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng; cải tạo, bổ sung các tuyến cống thoát nước trên địa bàn quận Thanh Khê và xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc thuộc quận Cẩm Lệ; Triển khai dự án Cải tạo các hồ điều tiết khu vực sân bay Đà Nẵng.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng phát triển đô thị mới trên nền của đô thị cũ nên phải chấp nhận tần suất ngập lụt 5% (quy chuẩn thì tần suất phải là 1%). Nếu thực hiện theo quy chuẩn tần suất 1% thì cao trình nền nhiều nơi phải nâng lên 1,5m-2m, thậm chí có nơi 3m với khối lượng san nền khổng lồ, điều này không thể thực hiện. Bên cạnh đó, từ lõi đô thị, xây dựng các tuyến đường vành đai bao quanh thì việc thoát nước của thành phố có vấn đề.
Vấn đề rất lớn nhất của Đà Nẵng là sân bay Đà Nẵng với diện tích gần 800ha nằm giữa đô thị, thuận tiện cho việc đi lại nhưng khi có các trận mưa lớn làm phát sinh trữ lượng nước lớn thoát ra xung quanh. Trước năm 1975, khi quy hoạch sân bay Đà Nẵng, khu vực xung quanh sân bay có 14 hồ điều hòa. Thế nhưng, trong vài chục năm trở lại đây do quá trình đô thị hóa nên hầu hết các hồ đều bị san lấp hoặc bị bồi lắng không còn chức năng hồ điều hòa.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |
Ông Lê Quang Nam cho biết thêm, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng làm việc với các đơn vị trong sân bay, tập trung giải quyết vấn đề thoát nước.
“Hệ thống thoát nước Đà Nẵng trước kia do chúng ta là đô thị lõi nên nước mưa phải chảy ra biển. Đương nhiên khi chảy ra biển thì phải xé toạc bờ biển, rất phản cảm. Vừa rồi đã giao lại cho ngành Xây dựng nghiên cứu lại. Chúng ta xác định lại hướng thay vì đổ ra biển, có thể cho đổ ra sông hoặc lưu vực khác để tiếp nhận, không để gây phản cảm như thời gian vừa qua. Về cơ bản, sắp có thể được giải quyết. Về giải pháp căn cơ, hiện nay Sở Xây dựng đang thực hiện Đồ án cao độ nền và thoát nước mưa. Nếu chúng ta triển khai tốt Đồ án này thì đây là cơ sở khoa học rất thuận lợi để chúng ta xem xét đánh giá toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố”.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo VOV