Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng |
Thu hút đầu tư FDI tăng 200%
Tại hội thảo, bà Huỳnh Liên Phương – Phó Giám đốc Ban Hỗ trợ Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến hết tháng 5/2018, thành phố Đà Nẵng đã cấp chủ trương đầu tư cho 6 dự án trong nước với tổng vốn 5.893 tỷ đồng. Thu hút thêm 129 triệu USD từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, thu hút được 61 dự án mới với tổng vốn đăng ký hơn 76 triệu USD, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 6 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 27 triệu USD; 12 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng phần vốn góp 24,135 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 609 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3,14 tỷ USD.
Về khó khăn trong thu hút đầu tư, bà Phương cho rằng các chính sách thu hút đầu tư, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC), khu công nghiệp, khu chế xuất là rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các các dự án ngoài khu công nghiệp lại có vướng mắc. Cụ thể, hiện Ban Hỗ trợ Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng chưa thể trả lời cho doanh nghiệp câu hỏi: Khi mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng thì thời gian từ khi doanh nghiệp quyết định xin chủ trương đầu tư đến khi được chấp thuận chủ trương hay giấy chứng nhận đầu tư hay chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là bao lâu? “Chúng tôi không thể xác định được thời gian đối với từng quy trình, thủ tục đối với các Sở ngành liên quan là bao lâu. Có nhiều nhà đầu tư trong nước muốn làm một khu du lịch hoặc làm một trường đại học hoặc các trường mầm non, trung cấp có hỏi về thời gian nhưng Ban không thể trả lời được.”
Riêng đối với thu hút đầu tư vào KCN cao cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh – Phó Trưởng BQL Khu CNC Đà Nẵng, hiện khu CNC đã thu hút được có 6 dự án FDI và 8 dự án trong nước. Có đến 5 trong số 8 doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp của TP Đà Nẵng với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100 triệu USD. Khu CNC đã có hơn 400 hecta đất sạch, hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện, vị trí đẹp sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khu CNC có những chính sách hấp dẫn mà 2 khu CNC còn lại của cả nước không có được đó là dự án cón vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ trở lên thì thời gian ưu đãi sẽ kịch khung 30 năm, và được miễn hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng.
Cần có cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp nắm được cơ hội phát triển
Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, năm 2018 là một năm thị trường thuận lợi cho công ty phát triển. Bức bối duy nhất hiện nay của Công ty Á Châu là mở rộng sản xuất . “Thị trường chúng tôi rất tốt, vốn chúng tôi có, chúng tôi cũng có cơ hội tốt. Doanh nghiệp mong muốn thành phố sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục ĐTM (đánh giá tác động môi trường), có như vậy thì doanh nghiệp mới lớn lên, mới nắm được cơ hội để phát triển.”, ông Thống nói.
Ông Hà Ngọc Thống; Doanh nghiệp mong thành phố có những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn |
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn thành phố sẽ có những hỗ trợ, hay chính sách về cho thuê mặt bằng sản xuất. TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN) làm chủ đầu tư và phát triển KCN Liên Chiểu, các doanh nghiệp vào hoạt động tại KCN sẽ thương lượng giá thuê đất với SDN. Tuy nhiên, có một bất cập là những doanh nghiệp như Công ty CP Cao su Đà Nẵng di dời vị trí hoạt động đến KCN Liên Chiểu là theo chủ trương của thành phố nhưng không được hỗ trợ gì, mà phải chịu mức giá theo quy định của SDN, mà mức giá này cao hơn nhiều so với các khu công nghiệp do thành phố quản lý gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Cùng vướng mắc trên, bà Đặng Trần Gia Thoại – Giám đốc Công ty CP Container miền Trung cho biết, để đón đầu Cảng Liên Chiểu, Công ty dự kiến mở rộng đầu tư tại khu vực KCN Liên Chiểu. Nhưng giá cho thuê đất tại đây quá cao. Bà Gia Thoại kiến nghị thành phố xem xét có những ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia thì mong muốn thành phố có cơ chế chính sách phát triển Cảng Đà Nẵng thông thoáng, tạo đột phá. Mặc dù, 3 năm gần đây, Cảng Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất miền Trung, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thông thoáng thì sẽ nhanh chóng bị “vượt mặt”. Ông Sia dẫn chứng cảng Chu Lai mới thành lập 4 năm nhưng sản lượng container qua cảng đã bằng 1/2 cảng Đà Nẵng, với tốc độ phát triển như hiện tại, chỉ trong thời gian ngắn cảng Chu Lai có thể đứng ngang thậm chí là thay vào vị trí của cảng Đà Nẵng hiện nay.
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của doanh nghiệp |
Doanh nghiệp thành phố cần liên kết, hỗ trợ cùng nhau mạnh lên
Chia sẻ với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thành phố, ông Đặng Việt Dũng – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, nhu cầu về hợp tác đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và cơ hội để đẩy mạnh đầu tư tại TP Đà Nẵng là hiện hữu. Doanh nghiệp Đà Nẵng có đủ tiềm năng, dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất trong chính địa bàn thành phố. Chủ trương của thành phố luôn lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển, động lực cho tăng trưởng. Tốc độ phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng trong thời gian qua tăng nhanh, mạnh, đa dạng, không chỉ trong sản xuất chế biến mà liên quan đến thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp thành phố đã đóng góp rất lớn cho GDP thành phố.
Tuy vậy, nhìn lại, đa số các doanh nghiệp Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ. Cơ hội để vươn ra bên ngoài còn rất hạn chế. Trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ngay trong nước cũng như quốc tế còn rất khó khăn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền thành phố, bản thân nội bộ doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Cùng liên kết hỗ trợ nhau phát triển, các doanh nghiệp trong thành phố phải là những khách hàng sử dụng sản phẩm của nhau, có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể lớn lên. “Chính doanh nghiệp thành phố sẽ quyết định sự lớn mạnh của bản thân và của thành phố.”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Tác giả: Vũ Lê
Nguồn tin: Báo Công thương