Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng sau cơn sốt đất đi qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS, nhận định: “Khi thị trường BĐS suy giảm, chắc chắn kéo theo nền kinh tế suy giảm. Đà Nẵng cũng có phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng nếu như BĐS không phát triển thì hai ngành này cũng sẽ tê liệt đi”.
Thị trường đang sụt giảm
Khu vực tây bắc Đà Nẵng với nhiều dự án BĐS “khủng” những năm qua luôn là điểm nóng thu hút giới đầu tư xuống tiền. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi những ngày gần đây, thị trường gần như không nhúc nhích. Hoạt động cầm chừng bên những kiốt BĐS đã đóng cửa hoặc tháo dỡ, anh Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) than thở: “Hơn 30 lô đất tôi nhận ký gửi của khách hàng ba tháng nay chưa bán được lô nào mà giá thì cứ giảm đều đều. Bây giờ chủ đất cũng không màng hỏi han nữa”.
Theo khảo sát, chỉ trong vài tháng, giá đất nền tại khu vực tây bắc Đà Nẵng thuộc các khu đô thị như Golden Hills, Kim Long City… đã giảm sâu. Thời điểm nửa đầu năm 2019, đất đai tại đây ào ạt đón sóng đầu tư, đẩy một nền đất 100 m2 chạm ngưỡng 4 tỉ đồng. Nay một nền như vậy đang được rao bán 2,8-3,3 tỉ đồng.
Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), thị trường cũng trầm lắng. Một nền đất 125 m2 tại Nam Hòa Xuân đang có giá khoảng 3,3 tỉ đồng nhưng rao bán chẳng ai mua. Trong khi trước đây mức giá đến hơn 4 tỉ đồng.
Chị Hà, chuyên viên môi giới nhà, đất tại khu đô thị FPT Đà Nẵng, hai tháng nay không bán được nền đất nào. Theo chị, giá đất tại khu vực này vốn tăng nóng, có lúc lên hơn 4 tỉ đồng/nền, nay quay đầu sụt giảm khoảng 30%, chỉ còn hơn 3 tỉ đồng/nền.
Tương tự, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cũng vắng bóng cò đất. Anh Lê Văn Sung, nhân viên một sàn giao dịch BĐS tại đây, cho hay giá đất toàn khu vực đang giảm khoảng 30%. Đơn cử như khu đô thị số 7, mức giá cách đây nửa năm là 3 tỉ đồng/nền, giờ chỉ còn 2,2 tỉ đồng/nền và rất khó đẩy hàng. Giữa đà suy giảm, việc HĐND tỉnh Quảng Nam mới đây chấp thuận chủ trương đầu tư bảy dự án BĐS tại thị xã Điện Bàn khiến giới đầu tư nửa mừng nửa lo.
Khu vực quận Liên Chiểu và trục tây bắc của Đà Nẵng liên tục đón các dự án ngàn tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Vực dậy thị trường được không?
Trao đổi với PV, ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho hay việc chấp thuận chủ trương đầu tư bảy dự án BĐS có mới, có cũ tại thị xã Điện Bàn lẽ ra đã có từ lâu. Tuy nhiên, hồi tháng 3-2018, HĐND tỉnh này đi kiểm tra các dự án thì phát hiện ra việc thiếu nhiều thủ tục pháp lý nên đã cho dừng toàn bộ.
“Hồi đó thủ tục hành chính chưa đầy đủ, hướng dẫn về Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa rõ nên các doanh nghiệp và cả điều hành của cơ quan chuyên môn tham mưu cũng thiếu sót. Giờ mình chấp thuận chủ trương đầu tư là bước đệm để về sau công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chuyên môn được tốt hơn, đầu tư của doanh nghiệp cũng bài bản hơn” - ông Hồng nói.
Bảy dự án BĐS tại thị xã Điện Bàn vừa được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các khu đô thị: Đại Dương Xanh, Hera Complex Riverside, Coco Riverside, An Phú, Phú Thịnh, Trung Nam và QNK1. Hầu hết các dự án đều đã có quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500. |
Tương tự, hàng loạt dự án du lịch, công nghiệp ngàn tỉ đồng đổ bộ vào quận Liên Chiểu thời gian này cũng được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường. Bà Đặng Thanh Thiện, người khá có tiếng trong giới đầu tư BĐS tại Đà Nẵng, nhận định bảy dự án mới ở thị xã Điện Bàn hay những dự án sắp được tung ra tại quận Liên Chiểu chính là cơ hội của các nhà đầu tư khi bước vào một cuộc chơi mới của BĐS, tiếp cận một thị trường hoàn thiện hơn về pháp lý. Khách hàng sẽ được làm việc với các chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án có năng lực hơn.
Dẫn chứng tại quận Liên Chiểu, bà Thiện cho rằng nơi này đang trở thành một công trường mới của Đà Nẵng với hàng loạt dự án được xây dựng. “Những động thái tăng cường siết chặt trong phê duyệt và chấp thuận đầu tư các dự án sẽ mang đến một thị trường có tính chọn lọc, các sản phẩm có giá trị pháp lý hoàn thiện, đảm bảo hơn, hứa hẹn một thị trường bền vững hơn” - bà Thiện nói.
Đồng tình với các nhà đầu tư, ông Đính cho rằng việc tìm hướng đầu tư mới luôn nằm trong đầu giới có tiền, có nhu cầu kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường miền Trung đang ở trạng thái bất ổn do nhiều nguyên nhân đến từ chính sách, ngân hàng siết tín dụng BĐS hay cách quản lý của địa phương… khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
“Thị trường BĐS chiếm khoảng 20%-30% nền kinh tế nhưng lại là động lực để kéo theo các ngành khác. Đất nếu để nguyên thì giá trị là một đồng nhưng khi đưa đất vào để phát triển kinh tế thì sẽ kéo theo sự đầu tư, phát triển mua bán vật liệu xây dựng, nhân công, thiết bị công nghệ…, đồng nghĩa với việc kéo theo phần còn lại của nền kinh tế” - ông Đính nói.
Việc lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng TP đang có chủ trương dìm giá đất là phi thị trường, đi ngược lại nguyên lý thị trường. Sẽ không thể làm được như vậy vì giá cả là do thị trường và người tiêu dùng quyết định. Vấn đề của Nhà nước nằm ở điều tiết vĩ mô, phát triển kinh tế phải làm thế nào để các lĩnh vực đều phát triển đúng với quy luật. Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS |
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM