Mặc dù Đà Nẵng chưa đồng ý thí điểm nhưng Grab, Uber vẫn hoạt động tràn lan trên địa bàn thành phố |
Trong vai hành khách, PV đặt xe trên ứng dụng Grab. Sau khi chúng tôi chọn địa điểm đi - đến, trên ứng dụng hiển thị hàng chục đầu xe các loại kèm theo bảng báo giá. Chưa đầy 1 phút, chiếc ô tô 7 chỗ đỗ xịch ngay vị trí đã đăng ký mời hành khách lên xe.
“Mùa du lịch, mỗi ngày chạy từ 6h - 22h mỗi tài xế cũng có được khoảng 4 triệu đồng, ngày thường dao động từ 700 - 800 nghìn đồng. Lúc Grab mới ra, chỉ vài trăm xe, nay đông xe quá nên cũng căng lắm”, tài xế Grab tên Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, Uber cũng bắt đầu công khai hoạt động, làm gia tăng số lượng ô tô chạy Grab, Uber tại Đà Nẵng lên hàng nghìn xe. Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, Grab, Uber khiến lượng xe trên địa bàn thành phố gia tăng chóng mặt, dễ gây ùn tắc.
Theo tìm hiểu, thời gian đầu Bộ GTVT cho phép thí điểm Uber, Grab 5 địa phương trên cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Nhưng đến nay vẫn chưa có khung pháp lý quản lý loại hình này nên Đà Nẵng đã có văn bản chưa đồng ý cho Grab, Uber hoạt động tại thành phố. Hiện, các loại hình vận tải này không những không ngừng hoạt động mà còn gia tăng đến mức chóng mặt.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có taxi chất lượng và được đánh giá cao nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các loại hình vận tải tương tự như taxi là Uber, Grab làm tăng lượng xe, dễ vỡ quy hoạch. Bộ GTVT đã tổng kết 2 năm thí điểm, địa phương đang chờ Bộ triển khai khung pháp lý để có phương án quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa, trong khi các hãng taxi nộp thuế theo quy định của Nhà nước thì Grab, Uber liên tục báo lỗ và cũng không có ràng buộc gì. Riêng taxi Tiên Sa mỗi năm đóng gần 50 tỷ đồng tiền thuế, kể cả thuế trước bạ khi mua xe. Tính toán sơ bộ hiện nay số lượng xe hoạt động Grab, Uber khoảng 3.600 xe, gấp đôi số lượng xe của 8 hãng taxi đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng.
“Các hãng taxi muốn giảm giá, tăng giá dịp lễ, Tết đều phải đăng ký trước cả tuần với tài chính, thuế, Sở GTVT và không giảm quá 50%. Trong khi đó, Grab, Uber không tuân thủ các quy định của Nhà nước nên tùy ý tăng giảm giá vé, khuyến mãi, đó là cạnh tranh không công bằng. Chưa kể taxi của các hãng đều có thể nhận diện, phân biệt bởi biển hiệu, màu sắc nên dễ quản lý còn Grab và Uber thì không. Do đó nếu có vấn đề không hay xảy ra, hành khách sử dụng dịch vụ Grab, Uber sẽ chịu thiệt”, ông Hiền nói.
Theo ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cần phải quản lý chặt hoạt động của Grab, Uber. Bởi, các hãng taxi truyền thống đang bị thiệt thòi. Lái xe taxi trước khi tham gia hoạt động phải đào tạo, qua lớp huấn luyện của sở GTVT, Hiệp hội Taxi mới được cấp chứng chỉ hoạt động. Lái xe cũng phải qua đào tạo đạo đức nghề nghiệp, cung cách thái độ phục vụ, văn hóa trong kinh doanh, còn Grab, Uber không bị ràng buộc nào cả.
Tác giả: Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông