Những dấu hiệu tốt
Ngày 18/1, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ bất thường để xem xét xử lý, đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm theo kế hoạch 43 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Những người bị đề nghị xem xét kỷ luật gồm: Ông Trần Đình Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; ông Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp Đà Nẵng; ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng tiến hành kỳ họp lần thứ 19. Kỳ họp kết luận 3 cán bộ thuộc Văn phòng Thành ủy và Văn phòng HĐND thành phố có những vi phạm, khuyết điểm và phải thi hành kỷ luật.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/1, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết: "Đây là những hành động thể hiện sự rất nghiêm khắc của Đà Nẵng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, thực hiện một cách nghiêm túc việc kỷ luật đội ngũ cán bộ.
Việc làm trên sẽ giúp cho công tác kiểm tra kỷ luật của Đảng quay trở về quỹ đạo, làm cho các cấp từ điều hành, tham mưu thấy cần phải làm đúng chức trách, quyền hạn, quy định.
Bên trái là Ông Lê Quang Nam GĐ Sở TN-MT (bìa trái), ông Vũ Quang Hùng, GĐ Sở Xây dựng (bìa phải). |
Và đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm cho những cán bộ đã từng vi phạm, từ việc này sẽ tạo niềm tin cho người dân, cho cử tri vào công tác xử lý vi phạm của cán bộ".
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay: "Những ngày qua tôi thấy liên tiếp những thông tin về việc xử lý cán bộ tại Đà Nẵng, đây là những thông tin minh chứng cho việc trên chuyển dưới cũng chuyển, trên nóng dưới cũng nóng.
Các lãnh đạo TP Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng đã tiến hành thi hành kỷ luật nghiêm khắc với những đối tượng vi phạm. Thế nhưng còn vấn đề đã đúng người, đúng sai phạm hay chưa thì chưa biết phải chờ công bố sai phạm cụ thể và hình thức kỷ luật ra sao.
Tuy nhiên, đây là biểu hiện của những dấu hiệu tốt, thể hiện tinh thần chiến đấu, trách nhiệm của Thành ủy, của địa phương khi tiến hành xử lý những người có liên quan theo thẩm quyền của mình, không né tránh, dồn lên cấp trên.
Tôi cũng đang gửi niềm tin vào Bí thư mới, tôi tin vào tập thể cấp ủy ở Đảng bộ Đà Nẵng trong công tác quản lý thời gian tới có nhiều khởi sắc.
Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều bước thăng trầm của công tác xây dựng Đảng ở Đà Nẵng, những năm của thế kỷ trước, cho nên, thấy dù có thăng trầm thì Đảng bộ vẫn vươn lên, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, đảm bảo sự trong sáng.
Cho nên, trải qua các thử thách như vừa qua, tôi mong lãnh đạo Đà Nẵng nên để mọi người thấy các hình thức xử lý không phải là làm cho có, phải để cho các cán bộ bị xử lý không dám tái phạm những sai sót này.
Và khi ra quyết định kỷ luật mong muốn sẽ không có họ hàng, anh em, nể nang, không có lợi ích nhóm, không có đút lót, những việc tiêu cực bấy lâu nay vẫn còn tồn tại".
Không phải lúc nào cũng kiểm điểm, khiển trách
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng, việc đưa ra các quyết định kỷ luật cũng thể được sự vào cuộc mạnh mẽ của TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo ông Thuận cần xem xét cán bộ gặp sai sót về vấn đề gì, nếu sai lầm về công tác bổ nhiệm hay quản lý đất đai mà thất thoát của cải vật chất thì không thể kỷ luật, phải bồi thường, thậm chí xử lý hình sự, không phải lúc nào cũng chỉ kiểm điểm, khiển trách.
Và sau việc kiểm điểm thì nên tự rà soát xem bộ máy thành phố đang lỏng lẻo, sơ hở ở đâu, cần phải tự lột xác, nên làm một cách triệt để hơn.
"Ở địa phương mà nhiều lãnh đạo chủ chốt vi phạm thì tinh thần đấu tranh càng phải mạnh mẽ hơn, thậm chí cần có kế hoạch thay xác, đổi máu, làm sao cho thật tốt, đừng để tinh thần đấu tranh bị tê liệt.
Còn với người bị kỷ luật phải chỉ ra cho họ thấy phải làm thế nào, phải sống ra sao. Chúng ta hãy làm sao để cán bộ, người dân phải khâm phục, khẩu phục. Bởi vì, có nhiều cán bộ không chủ động vi phạm mà bị vi phạm, do cấp trên ép buộc, nên phải xét rõ nguồn gốc vi phạm, rồi kỷ luật người bên trên mới xử lý được cả gốc.
Kỳ vọng lớn nhất của tôi là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao nhiều cán bộ sai phạm đến thế, có giải pháp gì làm sao cho họ đi vào con đường chính danh không sai nữa. Vấn đề không phải là trừng trị mà phải là giải pháp rõ.
Còn bây giờ cần nhìn vào tổng thể, nguyên nhân vì đâu dẫn đến sai trái vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà sai trái, hay họ bị ép, cơ chế bắt buộc phải làm như vậy, thì xem nguyên nhân sâu xa là gì, rồi kỷ luật đúng đắn", ông Thuận nhấn mạnh.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Đất Việt