Chiều 24/6, tại Cung hội nghị Quốc tế Ariyana, TP.Đà Nẵng, ban điều hành quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF- SGP) tổ chức diễn đàn Người bản địa và GEF nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ đồng bào Cơ Tu, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường.
Đồng bào Cơ Tu chia sẻ cách làm du lịch sinh thái. |
Xã Hòa Bắc là vùng đệm, nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên là vườn quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa. Do đó, địa phương này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn, đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Người dân tại xã Hòa Bắc chủ yếu là dân tộc Cơ Tu. Nguồn thu nhập của bà con nơi đây còn hạn chế, sinh kế không bền vững gây ra áp lực rất lớn trong việc quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học. Một minh chứng rõ nhất, khoảng 10 năm trở lại, khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa giảm 16 loài và tăng 5 loài động vật cần bảo vệ.
Trước sức ép này, năm 2016, ban điều hành quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng đề án Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hòa Bắc. Đề án này được tiến hành 2 năm 2017 và 2018 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Mục đích của đề án là góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Cơ Tu, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Hiện tại, dự án đã đạt được khá nhiều thành quả khả quan. Dự án thành lập được 2 tổ quản lý rừng với diện tích hơn 1.800 héc ta rừng tự nhiên. Nhiều câu lạc bộ được thành lập như đan lát, ẩm thực truyền thống, văn nghệ…
Anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cho biết, nhờ vào đề án này mà người Cơ Tu biết phát triển du lịch sinh thái gắn liền với rừng và phát huy các truyền thống văn hóa ẩm thực dựa vào rừng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam cho biết, đề án tạo ra tác động tốt trong việc góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, tại địa phương đã có Hương ước bảo vệ rừng cộng đồng cho thấy sự đảm bảo trao quyền cho cộng đồng trong việc chung tay quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin