Như tin đã đưa, sau khi một học sinh gửi “Thư cầu cứu” về việc cha mẹ mình buôn bán vỉa hè bị một số cán bộ KTQTĐT quận Hải Châu liên tục dọa nạt ăn tiền, ngày 28/5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản 3900/UBND-QLĐTh chỉ đạo các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Giao thông vận tải (GTVT) và UBND các quận, huyện xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến tác phong, thái độ làm việc của một số cán bộ KTQTĐT.
Đề án Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội KTQTĐT quận, huyện và Tổ KTQTĐT phường được UBND TP Đà Nẵng ban hành từ tháng 8/2017, giờ đã thực hiện đến đâu? |
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Chủ tịch UBND quận Hải Châu chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức buổi gặp mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của lực lượng KTQTĐT để quán triệt, chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đồng thời công khai toàn bộ nội dung “Thư cầu cứu” nêu trên tại buổi gặp mặt; báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trước ngày 10/6/2018.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Nội vụ trong tháng 6/2018 chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, TN-MT, GTVT và UBND các quận, huyện thực hiện việc tổ chức gặp mặt để quán triệt thái độ làm việc, tăng cường kỷ cương hành chính kết hợp với tập huấn chuyên sâu về công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự đô thị cho toàn thể lực lượng KTQTĐT trên địa bàn TP.
Thực ra đây không phải lần đầu mà thời gian qua đã có không ít người dân Đà Nẵng chỉ trích những biểu hiện sai trái, tiêu cực trong lực lượng QTĐT ở các quận, huyện, phường. Trước tình hình đó, ngày 7/8/2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 4307/QĐ-UBND ban hành Đề án Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội KTQTĐT quận, huyện và Tổ KTQTĐT phường.
Theo đề án này, từ trước đến nay chưa có văn bản của Trung ương quy định về việc thành lập, tổ chức bộ máy, hoạt động của các tổ chức làm nhiệm vụ KTQTĐT. Mô hình tổ chức, bộ máy KTQTĐT là mô hình đặc thù của Đà Nẵng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của TP và hình thành từ năm 1998 đến nay.
Kinh phí hoạt động của Đội KTQTĐT quận, huyện do ngân sách đảm bảo hoàn toàn; ngoài ra một số địa phường còn hỗ trợ kinh phí cho Đội từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính. Kinh phí hoạt động của Tổ KTQTĐT phường cho ngân sách địa phương đảm bảo; một số phường sử dụng nguồn thu từ vỉa hè để hỗ trợ cho Tổ. Một số phường được ngân sách quận hỗ trợ thêm hàng năm…
Tuy nhiên, do chưa có quy định khung về tiêu chuẩn, trình độ của thành viên các Tổ KTQTĐT nên việc tuyển dụng, sử dụng chưa đồng nhất giữa các quận, phường; một số thành viên không có hoặc không đảm bảo trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ.
Theo thống kê đến tháng 5/2017, 07 Đội KTQTĐT ở các quận, huyện của Đà Nẵng có 298 viên chức, người lao động làm nhiệm vụ (so với số lượng được giao năm 2017 là 278 người), nhưng có đến 88,5% không có trình độ chuyên ngành về xây dựng nên không thể đảm bảo chất lượng thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Ngoài ra, 130 người (chiếm 43,62%) không có trình độ chuyên môn. Do đó đã có nhiều trường hợp kiểm tra, hướng dẫn và tham mưu cho UBND quận, huyện chưa kịp thời, dẫn đến xảy ra sai phạm trong công tác trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Đặc biệt, Đề án của UBND TP Đà Nẵng còn nêu rõ: “Một số thành viên Đội KTQTĐT các quận, huyện có hành vi, văn hóa giao tiếp, lời nói chưa đúng mực khi làm việc với các tổ chức, cá nhân; một số trường hợp có phát sinh tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ. Đây cũng là tình hình chung của các Tổ KTQTĐT các phường trên địa bàn”.
Trước tình hình đó, theo UBND TP Đà Nẵng, việc ban hành Đề án theo Quyết định 4307/QĐ-UBND nhằm xây dựng, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội KQTĐT quận, huyện và Tổ KTQTĐT phường trên địa bàn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách đối với các thành viên tham gia hoạt động KTQTĐT.
Sở Nội vụ Đà Nẵng được giao tham mưu UBND TP ban hành quyết định kiện toàn quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, số lượng người làm việc của Đội KTQTĐT quận, huyện. Chủ trì, làm việc cụ thể với UBND các quận, huyện về số lượng người làm việc bổ sung trên cơ sở Đề án Vị trí việc làm đã được UBND TP phê duyệt và tình hình thực tế của từng địa phương.
Đồng thời, Sở Nội vụ cùng các Sở: Tài chính, Xây dựng, GTVT, TN-MT, Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại phần VII của Đề án (Giải pháp để sắp xếp, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Đội KTQTĐT quận, huyện và các Tổ KTQTĐT phường).
UBND các quận, huyện cũng có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại phần VII của Đề án. Đồng thời sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội KTQTĐT quận, huyện theo quy định. Rà soát lại đội ngũ viên chức, người lao động thuộc Đội KTQTĐT quận, huyện…
Cho đến nay, khi bùng phát việc một học sinh gửi "Thư cầu cứu" lên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tố giác những việc làm sai trái, tiêu cực của một số cán bộ KTQTĐT quận Hải Châu gây bất bình cho người dân thì cũng đã gần 1 năm kể từ khi Đề án nêu trên được ban hành.
Chiều 28/5, PV Infonet đã liên hệ với Sở Nội vụ Đà Nẵng để tìm hiểu gần 1 năm qua, Đề án đã được triển khai như thế nào, kết quả ra sao? Sở Nội vụ Đà Nẵng có ý kiến gì về việc Đề án đã được ban hành mà mới đây lại có công dân (một em học sinh) gửi thư lên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kêu cứu vì cha mẹ buôn bán vỉa hè bị một số cán bộ Quy tắc đô thị quận Hải Châu liên tục dọa nạt, ăn tiền?
Theo yêu cầu của Phòng Xây dựng chính quyền và thanh niên (Sở Nội vụ Đà Nẵng), trong chiều 28/5, PV Infonet đã gửi email các câu hỏi vừa nêu để Phòng này báo cáo lãnh đạo Sở. Hiện báo điện tử Infonet đang chờ phản hồi từ Sở Nội vụ Đà Nẵng để tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề đang gây bức xúc dư luận này.
Tác giả: Hải Châu
Nguồn tin: Báo Infonet