Tin địa phương

Cuộc gặp gỡ lịch sử trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng tối 6.3

Sau 53 năm, kể từ năm 1965, tàu chiến Mỹ trở lại Việt Nam cũng chính ở Đà Nẵng nhưng với tư thế rất mới: tư thế của những đối tác quan trọng và thân thiện.

Khách được mời tàu sân bay tham quan. Cò thể nhận ra phía xa là dàn tiêm kích trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Ngày 5.3.2018, tàu sân bay khổng lồ USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống đã có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 5 ngày. Sau 53 năm, kể từ năm 1965, tàu chiến Mỹ trở lại Việt Nam cũng chính ở Đà Nẵng nhưng với tư thế rất mới: tư thế của những đối tác quan trọng và thân thiện. Giữa khoảng cách hơn nửa thế kỷ đó là những diễn biến đặc biệt của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Kết thúc một cuộc chiến tranh vũ lực, một thời kỳ cấm vận kéo dài từ 1975 và kết thúc 20 năm sau đó để mở ra một giai đoạn hợp tác mới như hai quốc gia đối tác thay cho vị trí những cựu thù.

Sự hiện diện của tàu sân bay khổng lồ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng Việt Nam không chỉ là sự hiện diện của một sức mạnh quân sự được xem như "bất khả chiến bại" - là một trong 10 tàu sân bay lớp Nimitz với lượng giãn nước tới 101.000 tấn, là lớp tàu chiến lớn nhất thế giới, 6000 quân nhân và 90 máy bay các loại có thể tấn công mục tiêu cách vài trăm km, có thể hoạt động liên tục trong vòng 20 năm mà không cần nạp nguyên liệu và thời gian phục vụ khoảng 50 năm.

Đại sứ HK Krittenbrink phát biểu tại tiệc chiêu đãi.

Tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam là thể hiện bước tiến mới rất đặc biệt trong quan hệ song phương của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á có thể hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực. Hoa Kỳ cũng đã được xem là nhân tố đóng vai trò trọng yếu ở Biển Đông. Lợi ích quốc gia tương đồng sẽ giúp hai nước tăng cường hợp tác mạnh hơn trong những năm tới trên cơ sở cùng khẳng định rằng hợp tác Việt - Mỹ ở Biển Đông là rất cần thiết để duy trì và ổn định khu vực.

Thêm một minh chứng cho bước phát triển mới đặc biệt trong quan hệ hai nước, tối ngày 6.3.2018, Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Philip G.Sawyer đã mở tiệc chiêu đãi ngay trên tàu USS Carl Vinson. 500 khách mời đến dự ngoài các lãnh đạo Hải quân Việt Nam, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng còn có các doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Hoa Kỳ đang sống và kinh doanh tại Việt Nam, các trường đại học trong đó có đại học Fulbright Việt Nam; các văn nghệ sĩ...

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ TP.HCM và vợ chồng trung tá Trịnh Thế Hiền.

Trong không khí trang trọng nhưng rất thân mật, các vị khách đã cùng nhau chia sẻ những lời phát biểu đặc biệt của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kriten Brink: "Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson diễn ra tại một thời điểm tươi sáng nhất trong lịch sử của hai nước. Và tôi nghĩ rằng lịch sử quan hệ của hai nước kể từ đây sẽ phát triển tốt đẹp hơn nhều. Tiềm năng tương lai của quan hệ đối tác giữa hai nước là không có giới hạn và tôi cực kỳ lạc quan về tương lai của mối quan hệ song phương Việt - Mỹ.

Và tôi rất phấn khích vì chuyền thăm lịch sử này của tàu USS Carl Vinson cho thấy Hoa Kỳ đang ủng hộ và góp phần vào một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập".

Toàn cảnh buổi chiêu đãi

Trên nền phông sân khấu là hai lá cờ Việt Nam và Hoa Kỳ cực lớn, chủ và khách đã tiến hành nghi thức chào, quốc ca Việt Nam và Hoa Kỳ vang lên bằng giọng hát của các ca sĩ và những người có mặt tại buổi tiệc. Các bài hát "Hello VietNam" và "Nối vòng tay lớn" đã được các ca sĩ của Đội Văn nghệ Hạm đội 7 và nghệ sĩ saxophon Trần Mạnh Tuấn thể hiện đầy cảm xúc.

Tại buổi chiêu đãi trên tàu USS Carl Vinson, đại diện Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện ngắn với bác sĩ trung tá hải quân người Mỹ gốc Việt Trịnh Thế Hiền và vợ - bác sĩ Vũ Tiến Hoàng Yến (Evelyne Vu Tien).

Trung tá Hiền 45 tuổi, sinh ra ở Sài Gòn và cùng cha mẹ và 5 anh chị em vượt biên sang Mỹ năm mới 2 tuổi. Trung tá Hiền đã có 16 năm làm việc trong Hải quân Mỹ và mới được chuyển đến tàu USS Carl Vinson làm nhiệm vụ sĩ quan chỉ huy của bộ phận nha khoa trên tàu. Chị Hoàng Yến vợ anh là bác sĩ nhi, sinh ra ở Paris (Pháp) và lớn lên ở San Francisco. Hai người quen nhau trong một lần đi khám bệnh thiện nguyện ở Việt Nam. Sau khi lấy nhau, cả hai người đều vẫn duy trì sở thích tham gia các chuyến khám bệnh thiện nguyện mỗi khi có thể thu xếp thời gian. Công việc của trung tá Hiền thường xuyên phải xa nhà và chị cũng đã trở nên quen với hoàn cảnh. Anh chị có hai con gái là Reagan Mai Trịnh 8 tuổi và Josephine Trịnh 5 tuổi.

Tác giả: Nguyễn Trương

Nguồn tin: Báo Người Đô Thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP