Căn nhà nhỏ lụp xụp nằm thu mình trong con hẻm không tên ở khối phố Phú Sơn (phường An Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) là nơi trú ngụ của vợ chồng cụ bà Huỳnh Thị Lan (86 tuổi) và cụ ông Phạm Hồng (100 tuổi). Gian nhà trước vừa là phòng khách với bộ bàn ghế cũ kĩ, vừa là nơi nằm nghỉ của hai ông bà với chiếc giường tre gần như không còn nguyên vẹn.
Lúc chúng tôi đến, cụ Phạm Hồng đang nằm co ro ở góc nhà, thân hình gầy còm, khuôn mặt teo tóp. Cụ bị té gãy xương chậu nên phải nằm một chỗ suốt 15 năm nay. Có lẽ cũng đã lâu lắm mới thấy người lạ đến nhà, cụ Hồng yếu ớt cố dùng chút sức lực, ú ớ nói: “Ai đấy, vợ tôi đi hái rau chưa về. Làm ơn rót cho tôi xin ly nước với, tôi khát quá, đói bụng nữa…”.
Cụ Lan năm nay đã 86 tuổi đang chăm sóc chồng 100 tuổi bị liệt |
Chập choạng tối, cụ Lan trở về nhà với cái lưng còng gần sát đất cùng thúng rau đắng và hai gói mì tôm. Bỏ vội thúng rau xuống hiên nhà, cụ lại lom khom vào bếp nhóm lửa, nấu mì để chuẩn bị bữa tối.
Sau khi công việc xong xuôi, cụ Lan đến ngồi cạnh mép giường, nắn tay, bóp chân cho chồng. Nghe tôi hỏi về hoàn cảnh của mình, khuôn mặt nhăn nhúm của cụ nheo lại, từ hốc mắt ứa ra hai hàng lệ chảy dài.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, đến tuổi lập gia đình, hai cụ nên nghĩa vợ chồng. Từ đó, vợ chồng dắt díu nhau cày thuê cuốc mướn mưu sinh.
Ông trời quá khắc nghiệt với vợ chồng cụ, mùa màng liên tục thất bát khiến cuộc sống vốn đã nghèo túng lại càng lâm vào cảnh khổ cực. Nghiệt ngã hơn, không lâu sau đó, cụ Hồng phát hiện mình bị vô sinh. Tức là trong gia đình sẽ không bao giờ được nghe thấy tiếng trẻ nói cười bi bô.
“Là đàn bà, ai chẳng muốn có con chứ, nhưng chồng bị bệnh vậy thì phải chấp nhận thôi. Hồi mới biết ổng bệnh cũng bán sạch tài sản để chạy chữa tứ phương nhưng không khỏi. Đến khi trắng tay thì đành ngậm ngùi cam chịu số phận thôi…”, cụ Lan sụt sùi.
Hai cụ sống nhờ vào trợ cấp và tiền bán rau đắng |
Cứ ngỡ bất hạnh đến thế là cùng, nhưng cuộc đời dường như chưa chịu buông tha cho hai con người khốn khổ này. Do tuổi già sức yếu, trong một lần đi làm ruộng, cụ Hồng bị ngã gãy xương chậu. Do không có tiền chữa trị, cụ trở nên tàn phế, phải nằm liệt giường suốt 15 năm nay.
“Không con cháu, không họ hàng thân thích, chúng tôi chỉ biết dựa vào nhau mà sống. Ổng đột nhiên gãy xương nằm một chỗ, đã nghèo lại đeo thêm cái khổ nữa…”, cụ Lan mếu máo.
Suốt 15 năm qua, đều đặn hằng ngày cụ Lan dậy từ 4 giờ sáng lội ra các ao nước trong làng để hái rau đắng, hái xong lại cuốc bộ hàng cây số mang ra chợ bán, nhặt nhạnh từng ngàn đồng. Những tờ tiền lẻ nhàu nát, ướt nhẹp được cụ cẩn thận cất trong lưng quần là nguồn sống quan trọng của hai người.
Cả đời chịu cực khổ như vậy nhưng khi được hỏi về mong ước cuối đời, cụ Lan nức lên: "Tôi chỉ ước sao trước khi chết được ăn bữa cơm no, có chút cá thịt tẩm bổ cho ổng là mãn nguyện lắm rồi. Còn nếu ông trời có mắt thì tôi mong cho ông ấy được chết trước, chứ không may mà tôi đi trước thì ổng biết sống sao đây…”. Cụ đưa đôi tay gầy guộc, run rẩy bưng bát mì tôm nấu cùng rau đắng, bón từng đũa cho chồng. Chút nước mì sánh ra rơi trên cổ, cụ Lan lại lấy khăn cẩn thận lau đi.
Ông Nguyễn Thành Lệ - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Gia đình ông Hồng, bà Lan thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay. Căn nhà ông bà đang ở là nhà tình thương. Hằng tháng ông bà được trợ cấp tiền người cao tuổi, địa phương cũng rất quan tâm giúp đỡ. Hiện cụ ông đã 100 tuổi nhưng không có con cháu chăm sóc. Mong rằng các nhà hảo tâm giúp đỡ để ông bà có thể sống thảnh thơi trong những ngày cuối đời".
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Bà Huỳnh Thị Lan trú khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. SĐT: 01694151377 (chị Tê, hàng xóm của cụ Lan).
|
Tác giả: Hoài Sơn
Nguồn tin: Báo VietNamNet