Bán tháo đã dừng lại trong phiên giao dịch sáng nay (24/3) dù một số mã vốn hoá lớn vẫn giảm mạnh và gây áp lực lên chỉ số chính.
VN-Index sáng nay đánh mất 10,08 điểm tương ứng 1,51% còn 656,51 điểm trong khi HNX-Index đạt trạng thái tăng nhẹ 0,08 điểm tương ứng 0,08% lên 96,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,82% lên 47,95 điểm.
Thanh khoản đạt 153,42 triệu cổ phiếu tương ứng 2.302,23 tỷ đồng trên HSX và 34,46 triệu cổ phiếu tương ứng 250,95 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM ghi nhận có 6,19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 65,45 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã giảm, tuy nhiên, số lượng mã tăng giá đã cải thiện đáng kể so với phiên hôm qua, cách biệt số lượng mã giảm và tăng không đáng kể. Cụ thể, có 344 mã giảm, 80 mã giảm sàn so với 263 mã tăng và 37 mã tăng trần trong sáng nay.
Cổ phiếu "họ" Vingroup và FLC có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường |
Cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn. VIC giảm sàn 5.300 đồng lùi xuống 71.500 đồng, VHM giảm sàn 4.100 đồng còn 55.300 đồng và VRE cũng giảm sàn 1.300 đồng còn 17.700 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo thị trường suy giảm.
Cụ thể, tác động do VIC gây ra cho chỉ số là 5,11 điểm; do VHM là 3,91 điểm và do VRE là 0,86 điểm. Tổng thiệt hại do ba “ông lớn” này lên tới 9,88 điểm.
Tương tự, cổ phiếu họ FLC cũng đang bị xả hàng. FLC giảm 4,29% còn 3.120 đồng; ROS giảm sàn xuống 4.540 đồng/cổ phiếu, AMD giảm sàn còn 3.910 đồng/cổ phiếu và dang dư bán sàn tới hơn 18 triệu đơn vị; HAI giảm sàn còn 3.670 đồng; GAB giảm 6,51% còn 123.600 đồng và ART cũng giảm 3,85% còn 2.500 đồng.
Ngoài ra, mã có đà tăng ấn tượng suốt tháng qua là QCG cũng “cắm đầu” giảm sàn xuống 7.650 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 10 nghìn cổ phiếu nhưng dư bán sàn hơn 3,63 triệu đơn vị.
Tuy vậy, điểm tích cực là nhiều mã đã hồi phục: VNM, GAS, BID, VCB, BVH, BHN, SAB sáng nay đều đã tăng trở lại. BHN tăng 3.150 đồng, VNM tăng 2.400 đồng, GAS tăng 1.600 đồng, SAB tăng 800 đồng….
Theo đó, VNM đóng góp 1,19 điểm, GAS đóng góp 0,87 điểm và BID đóng góp 0,8 điểm cho VN-Index.
Nhìn chung, giới phân tích vẫn chưa có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường trong thời gian này. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, các cổ phiếu giảm sàn hàng loạt khi nhà đầu tư mạnh tay cắt lỗ trên diện rộng. Tâm lý bi quan bao trùm và dường như sẽ không sớm kết thúc. Việc quản trị rủi ro cho danh mục cần được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện tại.
Còn theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau khi phá vỡ vùng hỗ trợ 700-740 điểm, chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ mạnh 580-640 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Điểm hỗ trợ là việc nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã duy trì trạng thái quá bán khá lâu nên có thể kỳ vọng thị trường sớm có cơ hội hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động tiêu cực của thị trường thế giới.
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-15% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn. Nhà đầu tư cầm tiền mặt đứng ngoài thị trường, hoặc có thể xem xét tham gia giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng thấp trong các phiên sụt giảm mạnh của thị trường nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt và có mức độ chịu đựng rủi ro cao.
Trong khi đó, theo dự báo của Chứng khoán SHS, trong phiên giao dịch 24/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 640 điểm. Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục về ngưỡng kháng cự quanh 700 điểm nhằm hạ dần tỷ trọng.
Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể canh những nhịp thị trường giảm về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 640 điểm để bắt đáy thăm dò một phần nhỏ tỷ trọng danh mục.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí