“Xin hãy bế con đi!”
Tôi đến cơ sở nuôi dưỡng của một trung tâm bảo trợ xã hội để thực hiện công việc trong kế hoạch tòa soạn giao. Công việc này, thực sự không liên quan nhiều tới chuyện tìm hiểu bữa ăn, giấc ngủ của các bé tại đó, nhưng một cách tình cờ, tôi được tiếp xúc với các bé ở giờ chơi buổi sáng.
Hôm ấy là một ngày gió lạnh mới ùa về…
Trong căn phòng nhỏ, các bé ở độ tuổi 6 tháng tới 10 tháng đang nằm ngồi trên chiếc chiếu trải ở sàn gạch. Có bé nằm úp, ngẩng đầu lên lắc lư quan sát người lạ, hẳn là bé vừa biết lẫy. Có bé lại chỉ nằm ngửa vì chưa lẫy được, có bé thì đã biết ngồi, cầm món đồ chơi vừa ngậm vừa vung vẩy…
Những đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn nhưng vẫn bị người sinh thành nhẫn tâm vứt bỏ. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Vốn rất yêu trẻ con, nên tôi không thể cưỡng lại việc bế một vài bé lên cưng nựng. Dẫu biết tôi là người lạ, song chẳng bé nào kêu khóc, mà thậm chí hoàn toàn ngược lại…
Bé gái tên H. khoảng 6 tháng tuổi là một trong những bé khiến tôi có ấn tượng lớn nhất. Đôi mắt to tròn, trong veo khiến người đối diện cứ muốn nhìn mãi vào cái sự hồn nhiên, ngây thơ ấy. Một vài giây đầu lạ lẫm, song rồi cái miệng chúm chím xinh xinh mở ra nụ cười tươi tắn, bất chấp dòng nước mũi thập thò như nhắc nhở người đối diện “trời trở lạnh rồi đấy ạ”. Hai bàn tay nhỏ xinh khua khoắng, sờ soạng khuôn mặt tôi, mân mê cổ áo tôi, như thể muốn tìm kiếm điều gì mới mẻ với những thứ đã quá quen thuộc hằng ngày…
Bế bé một lúc, cưng nựng, rồi tôi nhẹ nhàng đặt bé xuống định để bế một bé khác, trước khi phải bắt tay vào công việc với những người quản lý.
Bỗng bất ngờ… bé gái ấy bật khóc nức nở, thậm chí hét lên, chới với đôi tay bé bỏng để túm giữ người lạ vừa làm quen và bế bé được vài phút, là tôi.
“Ối chà, mới có tí thế là đã quen rồi đấy!”, cô nuôi dạy trẻ giải thích cho tôi.
Lúc ấy, một cảm giác sững sờ như có dòng điện chạy từ chân lên tới đầu mình vậy! Không suy nghĩ nhiều, tôi lại bế bổng bé gái ấy lên, và quả đúng vậy, bé ngừng khóc ngay, lại mở to đôi mắt tròn xinh, lại mân mê khuôn mặt, cổ áo, lại nở nụ cười hồn nhiên và tận hưởng cảm giác được bế, được cưng nựng…
Sau đó, phải rất khó khăn, tôi mới có thể trao bé cho cô nuôi dạy để dành chút thời gian ít ỏi cầm tay, hỏi han những bé khác.
Vẫn là những đôi mắt to tròn, trong veo, nhưng lạ lắm! Ẩn chứa sâu thẳm trong sự hồn nhiên, ngây thơ ấy, tôi cảm thấy có điều gì man mác buồn, man mác tự sự, như thể chứa đựng vô số câu hỏi “Tại sao?” mà các bé vẫn chưa có lời giải, và tôi cũng không có lời giải…
Bước chân ra cửa, lòng tôi như thắt lại, khi nhìn những ánh mắt ấy dõi theo mình từng bước đi. Một cảm giác trĩu nặng đeo đẳng. Tôi bất giác nghĩ tới bé con của tôi ở nhà. Cháu rất sợ khi có người lạ bế ẵm, chỉ theo những người thân cận nhất. Có lẽ cháu cũng giống đa số bé con khác khi được chăm sóc ở nhà, có đầy đủ bố mẹ, ông bà yêu thương, bế ẵm.
Ở đây, khi một cô phụ trách chăm sóc 4, 5 bé, làm sao có thể đáp ứng được mong muốn tối thiểu là được bế, được âu yếm thường trực… Thành ra, thứ mong mỏi tối thiểu ấy của một đứa bé vài tháng tuổi cũng có thể trở thành xa xỉ.
Tôi bước đi với bộn bề suy nghĩ, những suy nghĩ chẳng đầu chẳng cuối, không rõ mình muốn gì. Chỉ biết là ánh mắt trong veo của các bé khiến tôi ám ảnh thực sự. Ánh mắt ấy, cùng tiếng khóc thét khi phải rời xa ấy, như lời mong mỏi tha thiết lặp đi lặp lại “Xin hãy bế con đi!”…
Một cảm giác buồn và trĩu nặng khó tả, bất giác khóe mắt ươn ướt khiến tôi phải tự nhủ “giói thổi nhiều, cay mắt quá đi thôi”…
Sinh con ra, xin đừng bỏ rơi trẻ!
Các cô ở đó nói với tôi, Nhà nước cung cấp ngân sách đầy đủ để chăm nuôi các bé. Sữa, bột, cháo, đồ chơi, quần áo… có đủ cả.
Tôi cũng không có ý định đi sâu vào câu chuyện đó. Tôi chỉ nhìn thẳng vào đôi mắt của các cô, như để truyền tải một mong muốn, một lời chân thành từ trái tim mình: Cảm ơn các cô đã nuôi dạy bọn trẻ! Xin hãy nuôi chúng đúng bằng cái tâm của mình, vì hơn ai hết, chỉ có cái tâm mới giúp những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi vượt qua được cơn bĩ cực ở giai đoạn mới lọt lòng…
Những điều ám ảnh tôi, ngoài ánh mắt trong veo, đôi môi nở nụ cười thơ ngây, đôi bàn tay nhỏ xinh mân mê, túm giữ vai áo người lạ mới quen, còn là những tiếng khóc khi bị sặc sữa, tiếng thét khi lên cơn gắt ngủ, vết ẩm trên ngực áo bé sau khi vừa được lau chùi…
Con bé nhà tôi cũng khóc khi bị sặc sữa, cũng thét lên khi gắt ngủ, nhưng bất kể khi nào rơi vào trạng thái “khó ở”, chúng tôi đều luôn ở bên cạnh bé để làm những điều tốt nhất cho con mình.
Các bé ở cơ sở nuôi dưỡng của trung tâm bảo trợ xã hội thì không phải lúc nào cũng có được sự sẵn sàng ấy, vì sự sắp xếp ưu tiên bé tới lớn, nặng tới nhẹ…
Tất cả điều đó, khiến tôi ám ảnh! Và có những lúc lẩn thẩn, tôi đã nghĩ, đó quả là một sự khắc nghiệt của nghề báo. Nhờ có công việc đam mê này, tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều cảnh đời, nhưng đổi lại, tôi cũng bị ám ảnh bởi những khoảnh khắc, những con người mà chẳng thể có lời giải thỏa đáng.
Còn gì đau đớn tột cùng hơn việc bị chính những người sinh ra mình bỏ rơi? |
Nếu được ước, tôi ước sẽ không có người cha người mẹ nào bỏ rơi con mình sau khi sinh bé ra, để các bé thực sự được nhận sự chăm sóc đầy đủ, chu toàn của người thân thuộc. Tôi ước những ai có mong muốn nhận con nuôi có thể đón các bé về để dành sự quan tâm đủ đầy cho các cháu…
Tôi ước nhiều lắm, nhưng khi nhận ra sự xa vời của ước mơ và thực tế, tôi lại trở về suy nghĩ ám ảnh của mình.
Ngày hôm sau, tôi lại tìm tới chỗ ở của các bé bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng không đủ can đảm để bước vào bế ẵm, cưng nựng… Tôi sợ mình không nhấc được chân lên để đi về.
Tôi chỉ dám đứng ngoài cửa, nhìn vào trong phòng, và run rẩy nghĩ về những ánh mắt chất chứa vô số câu hỏi “Tại sao?” của các bé. Tại sao…? Tại sao…? Tại sao…?
Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô