Tin địa phương

Chủ tịch Đà Nẵng kêu khó xử lý hai nhà máy thép ô nhiễm

Qua nhiều lần đối thoại với dân, Đà Nẵng vẫn chưa chốt việc có di dời hai nhà máy thép ô nhiễm hay không.

Tại chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 4" ngày 6/11, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý (đặt tại khu công nghiệp Thanh Vinh, huyện Hoà Vang) được xác định có nhiều vi phạm về ô nhiễm môi trường và sẽ bị xử phạt hành chính, cho ngừng hoạt động trong thời gian 6 tháng.

"Nếu hai cơ sở này khắc phục sớm vi phạm thì được cho hoạt động trở lại, song vấn đề ở đây là khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 500 m", ông Hùng nói.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, diện tích của Đà Nẵng nhỏ nên rất khó để đạt được khoảng cách 500 m đến 1.000 m từ nhà máy đến khu dân cư. Trong khi đó theo quy chuẩn Việt Nam về nhà máy thép, nếu các nhà máy có điều kiện che chắn thuận lợi và đủ biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường thì được phép báo cáo với cơ quan chức năng để giảm khoảng cách nêu trên.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng bức xúc của cử tri về ô nhiễm môi trường do hai nhà máy thép gây ra đã kéo dài nhiều năm, chính quyền cần có câu trả lời dứt khoát về việc có di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư hay không, để báo cáo kỳ họp HĐND vào tháng 12 tới.

"Hiện người dân kêu thán vì ô nhiễm, còn doanh nghiệp cũng dở khóc dở cười vì phải trả lãi suất ngân hàng và lo cho công nhân", ông Trung nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: Nguyễn Đông

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhận định sai phạm của hai nhà máy thép có trách nhiệm của cơ quan chức năng khi đã đặt các cơ sở này ngay cạnh khu dân cư. "Trước đây chính quyền có chủ trương giải toả dân nhưng không thực hiện, để người dân làm nhà tiến sâu vào khu vực giáp nhà máy", ông nói.

Vấn đề lúc này, theo ông Thơ, nếu nhà máy khắc phục hoàn toàn ô nhiễm thì chính quyền có vận động người dân để nhà máy sản xuất trở lại hay không? "Đây là ca khó khăn nhất từ trước đến nay mà thành phố gặp phải", ông nói.

Chủ tịch thành phố cho biết thêm, để giải quyết vấn đề liên quan đến hai nhà máy thép, ông đã giao hai Phó chủ tịch nghiên cứu, tham mưu và sắp tới sẽ có câu trả lời dứt điểm.

Người dân Hoà Liên bao vây hai nhà máy thép ô nhiễm hôm 12/10. Ảnh: Nguyễn Đông.

Xử lý nước thải ven biển phải bắt nguồn từ ý thức

Nhiều cử tri của thành phố cũng bày tỏ bức xúc về ô nhiễm môi trường ở các điểm nóng khác như âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn, các cống xả thải ra biển ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, thậm chí tràn cả vào nhà dân như hồi tháng 10 vừa qua.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, tình trạng trên do hệ thống xử lý nước thải không tương xứng với cơ sở hạ tầng hiện có quanh khu vực này.

Cửa xả Mỹ An ven biển Mỹ Khê gặp sự cố do túi nylon xả thải vướng vào lưới chắn, gây ngập khu dân cư hôm 21/10. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Hệ thống mới chỉ đủ đảm bảo xử lý nước thải vào mùa nắng, đến mùa mưa thì nước thải tràn ra ngoài và vào nhà dân", ông Hùng nói.

Theo ông, thành phố đã đồng ý chủ trương thực hiện 3 dự án xử lý nước thải ven biển, trong đó có một dự án tổng vốn đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, "việc thực hiện các dự án xử lý nước thải ven biển chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của các cơ sở kinh doanh". Thực tế khu vực ven biển phía đông thành phố có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh, song chỉ 201 cơ sở có giấy phép đấu nối hệ thống thu gom nước thải.

Ông Nguyễn Nho Trung cho rằng, thành phố không thể để tồn tại việc 1/6 cơ sở kinh doanh không có giấy phép về đấu nối nước thải. "Nếu kéo dài tình trạng này, dù Đà Nẵng có hệ thống xử lý nước thải ven biển hàng nghìn tỷ đồng cũng không giải quyết được vấn đề ô nhiễm bờ biển", ông nói.

Hai nhà máy thép Dana Italy và Dana Australia xây dựng tại huyện Hòa Vang hơn 10 năm nay. Khoảng 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên sống gần nhà máy bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn đã nhiều lần dựng lán trại bao vây trước cổng hai nhà máy để phản đối, buộc chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại và đưa ra chủ trương di dời người dân, sau đó sẽ di dời nhà máy thép. Tuy nhiên, sau hàng loạt quyết định, chính quyền vẫn lúng túng trong việc di dời nhà máy thép hay di dời dân.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP