Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự. Hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc-ta đất được kiến nghị thu hồi, xử lý. Gần 700 tập thể và nhiều cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính.
Gần 50 vụ, hơn 70 đối tượng được chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý, cùng nhiều con số ấn tượng được đưa ra trong phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cuối tháng 7 vừa qua.
Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng |
Ấn tượng, nhưng không khỏi băn khoăn khi vụ này nối tiếp vụ kia; khi nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật; khi chống tham nhũng “phải liêm, phải sạch” chưa đạt yêu cầu.
Một thực tế không thể phủ nhận, hầu hết các vụ tham nhũng lớn bị phát hiện, điều tra, xử lý thời gian qua đều liên quan tới vấn đề “quyền lực” ở cấp cao, “quyền lực” ở những nơi trước kia luôn được coi là “vùng cấm”; thậm chí, ở ngay cơ quan phòng, chống tham nhũng – cơ quan luôn được xem là “liêm”, là “sạch”.
Không khó để lý giải điều này. Đó là người có chức vụ càng cao, càng có điều kiện để tham nhũng. Hành vi tham nhũng ấy có thể xuất phát từ chính bản thân khi lợi dụng chức quyền để vơ vét; hoặc bị lợi dụng, lôi kéo vào “nhóm lợi ích” khi họ không giữ nổi mình trước sự quyến rũ của những thứ vật chất và cả phi vật chất.
Đó là lâu nay dường như có sự thỏa thuận ngầm rằng, một số nơi được coi là “bất khả xâm phạm”, là “vùng cấm”. Chính vì thế nên nhiều người ở “vùng cấm”, ở nơi “bất khả xâm phạm” ấy mặc sức làm những gì họ muốn mà không sợ ai nhắc nhở, hoặc sờ tới. Có chăng cũng chỉ nội bộ. Không có chuyện công khai, minh bạch, không có chuyện thông báo cho nhân dân được biết!
Đó còn là chuyện rất chủ quan khi cho rằng, người ở cơ quan phòng chống tham nhũng mặc nhiên là trong sạch, liêm chính; mặc nhiên không thể tham nhũng. Bởi vậy, ít ai nghĩ phải chống tham nhũng ngay tại nơi kiểm tra, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng.
Chỉ khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước cùng Bộ Chính trị quyết tâm hành động; quyết tâm đưa các loại “củi khô, củi tươi” vào “lò” chống tham nhũng thì những góc khuất của người miệng nói chủ trương của Đảng, rao giảng đạo đức, tay quơ tiền, vàng, ngoại tệ, đất đai, mới bị lộ diện, mới vỡ lở những mối quan hệ chằng chịt lợi dụng quyền lực, lợi dụng kẽ hở, lợi dụng lòng tin của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân để vụ lợi.
Vì vậy nên chẳng lạ, từ việc Trịnh Xuân Thanh đi chiếc xe “biển xanh” không đúng quy định, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng bị lôi ra ánh sáng; hành vi sai trái của hàng chục người, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, bị phơi bày.
Và, không lạ từ vụ đánh bạc ở Phú Thọ, vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và nhiều vụ việc khác khi được làm rõ nhiều người mới ngỡ ngàng, bàn tay của nhiều cán bộ cấp cao, nhiều Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, một số Tướng lĩnh quân đội, công an "nhúng chàm" từ rất lâu rồi.
Vậy nên, khi đã nhận diện được “vùng tham nhũng”, hành vi tham nhũng; khi đã xác định, chống tham nhũng “phải liêm, phải sạch” thì phải quyết tâm làm đến cùng, quyết tâm loại khỏi đội ngũ những kẻ lợi dụng chức quyền, lợi dụng cơ chế, lợi dụng công vụ để nhũng nhiễu, đục khoét ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân.
Nhiều lần, và tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu quyết tâm: “Chúng ta phải làm tiếp, không có vùng cấm, không ngừng lại, không có ngưng nghỉ, không chùng lại, thậm chí là quyết liệt hơn”. Ông cho rằng, đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là mong muốn của Đảng ta, của dân ta.
Những lời tâm huyết, gan ruột ấy truyền đi thông điệp mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho những người trên tuyến đầu phòng, chống tham nhũng. Đó cũng là mệnh lệnh của cuộc sống, mệnh lệnh của sự phát triển bền vững, mệnh lệnh của một nền hành chính liêm chính, phục vụ./.
Tác giả: Đàm Hoa
Nguồn tin: Báo VOV