Thế giới

Chống tham nhũng là vấn đề sống còn của đất nước

Đây là khẳng định của Chủ nhiệm Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc Noh Hyeong-ouk trong bài trả lời phỏng vấn Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) và Hankook Ilbo.

Chủ nhiệm Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc Noh Hyeong-ouk trả lời phỏng vấn Báo The Korea Times. Ảnh: Korea Times/Shim Hyun-chul

Theo ông Noh Hyeong-ouk, trước đó, chính quyền cũ cũng đã thúc đẩy việc xóa bỏ tham nhũng. Tuy nhiên, họ đã thất bại bởi sự đối kháng của các nhóm lợi ích. Kết quả là, xã hội Hàn Quốc phải chứng kiến tình trạng gian lận và đặc quyền.

Để quá khứ không bị lặp lại, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã và đang thúc đẩy cải cách chống tham nhũng, theo mục tiêu mà như Tổng thống Moon đã nói: Đất nước sẽ trở thành nơi duy nhất mà mọi người có thể có cơ hội được bình đẳng trong một tiến trình công bằng. Cải cách là một phần của sự đổi mới để thay đổi chính sách, các hệ thống và thực tiễn đất nước - nơi mà hiện nay vẫn còn tham nhũng.

Đề cập tới tình hình tham nhũng trong nước, ông Noh Hyeong-ouk cho rằng, mọi người có thể sẽ nghĩ ngay tới vụ bê bối tham nhũng gần đây vào năm 2016 dưới thời chính quyền bà Park Geun-hye. Nhưng, góc nhìn của Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in lại khác.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Hàn Quốc hiện nay tập trung vào giải quyết nạn tham nhũng liên quan sâu sắc đến vấn đề sinh kế của người dân như việc tuyển dụng bất thường ở các công ty nhà nước, sai phạm trong nhận trợ cấp của Chính phủ, lạm dụng quyền lực hay thực trạng "gapjil" (người nắm quyền "đè đầu cưỡi cổ" cấp dưới)... Đặc biệt, trong 10 tháng qua, Chính phủ đã thiết lập các hướng dẫn trong các lĩnh vực công để xác định thuật ngữ "gapjil" và thành lập một hệ thống để giải quyết các vấn đề liên quan.

Về vai trò của Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ trong chiến dịch chống tham nhũng, theo ông Noh, công việc của Văn phòng là hỗ trợ Thủ tướng và điều phối các nhiệm vụ chung giữa các bộ. Văn phòng chỉ có thể đánh giá các bộ thông qua một Ủy ban Đánh giá do Thủ tướng Lee Nak-yon đứng đầu.

Kể từ khi Tổng thống Moon nhậm chức, Hội đồng Chính trị về Chống tham nhũng do Tổng thống trực tiếp điều hành cũng đã hoạt động trở lại và đưa ra định hướng về các chính sách chống tham nhũng. Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ đang tham gia trực tiếp vào hoạt động của Hội đồng. "Chúng tôi hỗ trợ Thủ tướng trong việc đưa ra các giải pháp toàn diện trong chính sách chống tham nhũng. Đồng thời thúc đẩy xóa bỏ lạm quyền trong khu vực công và trợ cấp của Chính phủ không công bằng", ông Noh Hyeong-ouk cho biết.

Nhấn mạnh về giải quyết tình trạng "gapjil" trong lĩnh vực công, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ nói: Nhiều người không biết "gapjil" là gì. Nhưng trong 10 tháng qua, kể từ khi Chính phủ công bố các biện pháp toàn diện trong cải cách chống tham nhũng, tôi nghĩ người dân bắt đầu hiểu lạm dụng quyền lực là gì và họ có thể nộp đơn khiếu nại tới trung tâm khiếu nại của Chính phủ. Hiện chúng tôi đã có khoảng 1.000 cuộc tiếp công dân, làm việc với những người có oan khuất...

Ông Noh Hyeong-ouk cho biết thêm, nếu ai đó nộp đơn khiếu nại với chính quyền, đơn của họ sẽ được xử lý trong vòng 2 tuần. Nhưng nếu công chức có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại cố tình trì hoãn việc đó, trong khi họ có thể dễ dàng thực hiện ngay tại chỗ, thì đó được coi là một hành vi lạm quyền. Xã hội thay đổi nhanh chóng, trong khi luật pháp thay đổi không theo kịp, trở nên khó phù hợp với thực tiễn. Bởi vậy, công việc của các cán bộ, công chức là áp dụng luật trong bối cảnh rộng để lấp khoảng cách giữa xã hội và pháp luật.

Bên cạnh việc xóa bỏ lạm dụng quyền lực, Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng loại bỏ những sơ hở trong việc nhận trợ cấp của Chính phủ. Trên thực tế, việc nhận trợ cấp bất hợp pháp là một hành vi phạm tội khiến người dân mất lòng tin vào Chính phủ. Năm 2019, các khoản trợ cấp của Chính phủ tổng cộng là 77,9 nghìn tỷ won, chiếm 16,5% tổng chi tiêu của Chính phủ. Đây là một khoản tiền lớn của người nộp thuế.

Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra vấn đề. "Bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Chính phủ đã đưa ra một hệ thống giám sát cho thấy dữ liệu cá nhân trong các cơ quan hành chính khác nhau. Hệ thống tìm ra các mô hình nhận trợ cấp không công bằng và thông báo cho bộ phận phụ trách về việc này. Ngoài ra, nếu một người bị phát hiện đã nhận trợ cấp một cách bất hợp pháp, người đó sẽ không nhận được trợ cấp của Chính phủ trong tương lai. Chính phủ cũng trao phần thưởng lên tới 3 tỷ won cho ai tố cáo hành vi bất hợp pháp. Luật cũng quy định tiền phạt cao gấp 5 lần so với trợ cấp ban đầu cho những ai nhận trợ cấp của Chính phủ một cách bất hợp pháp. Quy định này sẽ được thực hiện từ tháng 1 năm 2020", ông Noh Hyeong-ouk nói.

Tác giả: Hoài Phương

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP