Ngày 3/6/2016 là một ngày bình thường nhưng lại trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến chống tham nhũng đang trở nên cao trào ở Việt Nam hiện nay.
Hôm đó, trên tờ Thanh Niên xuất hiện một bản tin nhỏ đề cập đến chiếc xe cá nhân Lexus được gắn biển số xanh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lúc đó, Trịnh Xuân Thanh, sử dụng.
Ông Thanh, một doanh nhân từng gây nhiều thua lỗ khi làm chủ tịch tai Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC),con đường chính trị lại phất lên như diều gặp gió khi vừa trở thành đại biểu Quốc hội sau khi rời khỏi Bộ Công Thương để thăng tiến ở Hậu Giang.
Bản tin đó có vẻ chìm trong nhiều luồng dư luận đang đổ dồn vào một nhân vật khác từng là xếp cũ của Trịnh Xuân Thanh tại PVN, ông Đinh La Thăng, người đang gây sốt truyền thông trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM sau khi vào Bộ Chính trị nửa năm trước.
Tuy vậy, bản tin đó không vượt ra khỏi tầm chú ý của lãnh đạo Đảng. Chưa đến một tuần, ngày 9/6 Văn phòng Trung ương Đảng ban hành công văn thông báo ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra việc Phó chủ tịch Hậu Giang sử dụng xe Lexus.
Văn bản đó, ít người hình dung được, sẽ mở đầu cho công cuộc chống tham nhũng đầy quyết tâm, chưa từng có tiền lệ trong nỗ lực làm trong sạch bộ máy và củng cố lòng tin của người dân vốn đã có phần phai nhạt.
Rốt cuộc, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và cả đường dây xung quanh họ ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất, đã lần lượt phải vào tù với những mức án nghiêm khắc. Lần đầu tiên sau Đổi mới, một ủy viên Bộ Chính trị đã phải vào tù do liên quan đến kinh tế.
Hàng loạt các vụ khác với quy mô và tính chất đều cực lớn lần lượt được công bố, khởi tố và điều tra như vụ tổ chức đánh bạc ở Phú Thọ liên quan đến nhiều nhân vật cao cấp của ngành công an; vụ Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; các vụ việc tiêu cực ở Thanh Hóa, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Còn rất nhiều các vụ khác đang trong quá trình điều tra.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nói: “Trong hai năm qua, số vụ án lớn đưa ra xử lý, số cán bộ trung cao cấp nhiều gấp ba lần so với 20 năm; số tiền thu lại nhiều gấp 40 lần so với trong 20 năm”.
“Đó là số liệu minh chứng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha thóa có kết quả mang tính bước ngoặt”, ông nói.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nói: “Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu”.
Kết quả bước đầu đó đã mang lại luồng gió tươi mát trong nhân dân. Báo cáo trước Quốc hội, ông Mẫn nói: “Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”.
Ông Mẫn khẳng định thêm: “Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”.
Nhốt vào lồng cơ chế
Tệ tham nhũng, như ông Mẫn nói trên, đã ăn sâu vào nhiều ngõ ngách đời sống đến mức có lãnh đạo Đảng cách đây vài nhiệm kỳ từng thừa nhận: “tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương đáp: “Tôi có thể nói là ở cấp độ 3: đặc biệt nghiêm trọng” khi được hỏi tình hình tham nhũng ở nước ta ở mức độ nào trong ba cấp độ là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Người ta đã quen với chuyện lót tay từ những chuyện nhỏ như làm giấy tờ ở ủy ban phường, chạy một chân nhân viên trong cơ quan nhà nước, hay đến những chuyện lớn hơn như tham nhũng đất đai, chính sách.
“Tham nhũng nhiều khi như dầu bôi trơn”, một lãnh đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét.
Nhưng, cách bôi trơn bằng tiền tham nhũng không thể giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh ở đất nước này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về cách thức chống tham nhũng: “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp".
Có rất nhiều dạng của chiếc “lồng cơ chế” đó.
Cơ chế xin – cho là một ví dụ. Năm 2004, vụ án tham nhũng liên quan đến phân bổ quota trong xuất khẩu dệt may tại Bộ Thương mại được phát hiện.
Sau vụ án này, cơ chế xin – cho đó đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho hàng ngàn doanh nghiệp tự do xuất khẩu hàng hóa trong khi cắt hẳn phần đất màu mỡ cho tham nhũng.
Nhiều đại án tham nhũng gần đây liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước đang giữ vai trò gần như tuyệt đối trong các ngành liên quan, đến đất đai và đến công sản. Đó là những lĩnh vực còn đầy dấu ấn xin cho, ban phát và ít được thị trường hóa nhất.
Tự do hóa kinh tế hơn nữa trong các lĩnh vực này, cùng với trách nhiệm giải trình, và chế tài nghiêm khắc không chỉ giúp phân bổ vốn tốt hơn, mà còn tránh được những hệ lụy tham nhũng khôn lường.
Song, vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là quyết tâm chính trị, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.
Tác giả: Tư Giang
Nguồn tin: Báo VietNamNet