|
Dân được hưởng gì từ các đặc khu?
Lo lắng về dự thảo Luật Đặc khu, cử tri Nguyễn Trí Tống đề nghị Quốc hội cần làm rõ: Người dân được hưởng lợi gì từ các đặc khu? Khi cho nước ngoài làm đặc khu, ai là người được vào casino hay sân golf vì chắc chắn những đặc khu đó sẽ thành nơi nghỉ dưỡng nhiều hơn là hình thành những khu công nghiệp. Ông dẫn chứng việc luật hiện hành chỉ cho thuê đất 50 năm, nhưng như ở Formosa Hà Tĩnh đã ưu ái ký cho thuê đất 70 năm.
“Khi Việt Nam ban hành Luật Đặc khu thì liệu có giống như câu chuyện Trung Quốc nhượng lại đặc khu Hong Kong trong 99 năm và bây giờ đặc khu này trở thành một quốc gia hai chế độ?”, ông Tống thắc mắc.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, cho biết: Quốc hội chưa thông qua Luật Đặc khu thể hiện sự chưa thống nhất của tất cả ĐBQH tại kỳ họp và lắng nghe những ý kiến mạnh mẽ của dư luận.
Giải thích với cử tri về con số cho thuê đất trong 99 năm liệu có học theo Trung Quốc hay không, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết con số này không phải của Trung Quốc mà là quy ước bất thành văn. Chúng ta rất độc lập. Nếu thông qua Luật Đặc khu thì phải tính toán, chỉ rõ hiệu quả về kinh tế như thế nào, lan tỏa ra sao và phải đảm bảo được tiêu chí số một là an ninh quốc phòng.
“Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến nhân dân và nếu có thông qua thì ở thời điểm nào là phù hợp…Rất mong cử tri tin tưởng vào đường lối mà theo tôi là rất khôn khéo của Đảng và Nhà nước”, ông Nghĩa nói.
“Vào không ra, lên không xuống”
Về công tác phòng chống tham nhũng và Luật Phòng chống tham nhũng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin Luật Phòng chống tham nhũng vẫn chưa được thông qua. Do đây là bộ luật mang tính quốc tế và cam kết với Liên Hợp Quốc nên việc xây dựng cần hết sức chặt chẽ, thận trọng. Nếu các cơ quan chức năng làm tốt, đúng theo lịch trình thì luật này sẽ sớm được thông qua.
Cho rằng hệ thống các cơ quan nhà nước dễ xảy ra tình trạng tham nhũng, Bí thư Đà Nẵng bày tỏ mong muốn cử tri thành phố tăng cường giám sát, giám sát cả Thường trực mà đứng đầu là bí thư. “Tôi hoàn toàn đồng ý, tham nhũng chỉ xảy ra ở những ông có chức, có quyền. Ở Đà Nẵng tôi đề nghị cử tri giám sát Thường trực, đứng đầu là bí thư, giám sát cả các ông Thường vụ và Ban chấp hành. Ở hệ thống chính quyền, các ông ở Thường trực UBND, giám đốc sở. Đây là những cơ quan dễ xảy ra tham nhũng nhất”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, Thường vụ Thành ủy đang xem xét các quy định của Đảng về cán bộ trong Ban chấp hành nhiệm kỳ này để bổ sung cho nhiệm kỳ sau. Việc này có thể công khai cho người dân được không? Công khai ra trước chi bộ để giám sát tránh tình trạng đưa vào quy hoạch là không chịu ra.
“Các ông cứ rung đùi, chạy bằng được vào quy hoạch rồi thì yên tâm... Đây là bệnh trầm kha: vào thì không ra, lên thì không xuống. Chúng ta chọn lựa ngay từ những người được xem xét, chuẩn bị. Phòng chống tham nhũng từ những người đứng đầu, tôi đề nghị các cử tri chúng ta giám sát”, ông Nghĩa nói.
Dự án đảo nhân tạo mới chỉ là ý tưởng Thời gian qua, người dân và dư luận thành phố quan tâm đến thông tin sẽ có dự án đảo Hoa Sen thực hiện việc lấn biển ở khu vực vịnh Đà Nẵng. Liên quan đến việc này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, cho biết: “Đây mới chỉ là ý tưởng của một số nhà đầu tư, không phải là chủ trương của thành phố. Có xây dựng đảo nổi hay không còn rất xa vời, vì thành phố đang tập trung cho việc xây dựng cảng biển Liên Chiểu”. |
Tác giả: NGUYỄN THÀNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong