Trong các phát biểu và tuyên bố gần đây, Tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh hàng đầu trong chính quyền ông nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ông cũng phát đi tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng bác bỏ các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp của Trung Quốc ở những khu vực này.
Hôm 27/1, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, ông Biden cho biết, chính quyền Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, trong đó có cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.
Lập trường này trước đó cũng đã được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp bên phía Nhật Bản - Nobuo Kishi. Theo đó, ông Lloyd Austin cho rằng, các đảo tranh chấp nằm trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Austin khẳng định, Mỹ "phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi loạt tín hiệu, cảnh báo chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á. (Ảnh: CNN) |
Trong khi đó, 3 ngày sau khi ông Biden nhậm chức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cảnh báo Trung Quốc về việc đe dọa Đài Loan sau khi nước này liên tục điều hơn 10 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom quân sự qua vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này.
"Chúng tôi sẽ sát cánh cùng bạn bè và đồng minh để thúc đẩy an ninh và giá trị thịnh vượng chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan. Cam kết của chúng tôi với Đài Loan là vững chắc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho hay.
Những bình luận của chính quyền Biden cho thấy, chính quyền mới của Mỹ sẽ không có điều chỉnh trong lập trường đối với Trung Quốc, tiếp tục kế thừa chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh mà cựu Tổng thống Donald Trump để lại.
Washington từ lâu đã đứng về phía các đồng minh và các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia… trong việc bác bỏ các yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo tuyên bố, hầu hết các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật".
Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhanh chóng có các cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp bên phía Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, ông Austin cho rằng quan hệ đối tác quốc phòng của hai nước "được xây dựng dựa trên các giá trị chung và lợi ích chung trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, người đứng đầu Lầu Năm Góc "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế hiện hành".
Để khẳng định lập trường không thay đổi của Mỹ ở châu Á, hôm 24/1, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bắt đầu thực hiện cái gọi là sứ mệnh "tự do hàng hải" ở Biển Đông. Động thái điều tàu sân bay Biển Đông cho thấy lập trường của Mỹ, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Ngoài ra, theo kế hoạch dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến sẽ biến châu Á trở thành điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ấy sau nhậm chức.
Tác giả: KÔNG ANH
Nguồn tin: Báo VTC News