Thế giới

Cầu vượt biển dài nhất thế giới của Trung Quốc vắng vẻ do quy định mơ hồ

Doanh nghiệp chưa yên tâm sử dụng cầu nối Hong Kong- Macau - Chu Hải, khiến công trình đắt đỏ này không đạt lưu lượng xe như mong đợi.

Cầu nối Hong Kong - Macau - Chu Hải trước khi được khánh thành. Ảnh: SCMP.

George Yeo, chủ tịch tập đoàn kho vận Kerry Logistics, đồng thời là cựu ngoại trưởng Singapore, hôm nay cho biết hiện chỉ một vài xe tải sử dụng cầu nối Hong Kong - Macau - Chu Hải của Trung Quốc do các quy định không rõ ràng.

"Những điều khoản chi tiết rất quan trọng. Chúng tôi chỉ mới biết về khuôn khổ và ý tưởng tổng quát của kế hoạch, trong khi bây giờ phải đi vào những chi tiết cụ thể và thực tế. Vẫn rất ít hàng hóa vận chuyển qua cầu do các quy định chưa được sắp xếp rõ ràng với cơ quan hải quan", ông Yeo giải thích, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề sẽ được giải quyết trong vài tháng.

Hong Kong chi 15,3 tỷ USD cho công trình với hy vọng nó có thể giúp tăng lưu lượng hàng hóa giữa đặc khu này với phía tây đồng bằng sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Tuy nhiên, từ khi khánh thành hồi tháng 10/2018, số lượng ôtô và xe tải tư nhân đi qua cây cầu vượt biển dài nhất thế giới này khá thấp.

Theo số liệu của Cơ quan quản lý cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau (HZMB), chỉ có 3.429 phương tiện chở hàng hóa sử dụng cầu trong tháng 2. Con số này thấp hơn nhiều so với 7.020 phương tiện hồi tháng một và 5.302 phương tiện hồi tháng 12/2018, dù kết quả có thể do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Số lượng xe tư nhân qua cầu trong tháng 2 là 55.117 xe, cao hơn so với con số khoảng 45.000 xe mỗi tháng được ghi nhận hồi tháng một và tháng 12/2018. Tuy nhiên, tình hình này khác xa so với mục tiêu 11.600 - 16.550 phương tiện mỗi ngày mà chính quyền mong muốn.

Chính quyền Hong Kong cho biết cây cầu dài 55 km này giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành phố Chu Hải và cảng container Kwai Chung từ hơn 200 km xuống 65 km và di chuyển trong vòng 75 phút. Tuy nhiên, ông Yeo cho biết Kerry Logistics, với doanh thu 3,9 tỷ USD năm 2017, vẫn cân nhắc về tính hiệu quả khi sử dụng công trình.

"Chúng tôi sẽ chờ tới lúc các quy định được làm rõ. Nếu việc sử dụng cầu giúp cải thiện chi phí cho khách hàng, chúng tôi sẽ dùng nó. Nhưng nếu mức giá vẫn quá đắt, chúng tôi buộc phải từ chối", doanh nhân Singapore nói.

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 2 đưa ra kế hoạch tại Vùng Vịnh Lớn, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường kết nối Hong Kong và Thâm Quyền, Chu Hải và Macau, Quảng Châu và các thành phố lân cận sẽ là ba động lực chính cho sự phát triển của khu vực. Bắc Kinh hy vọng có thể biến đồng bằng sông Châu Giang thành trung tâm kinh tế hùng mạnh như Vịnh Tokyo ở Nhật Bản hay khu vực vịnh San Francisco, Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này thiếu chi tiết về cách đạt được mục tiêu.

"Các quy tắc hiện nay chưa đủ rõ ràng. Thậm chí khi được làm sáng tỏ, chúng sẽ thay đổi theo thời gian", ông Yeo cho biết, nói thêm rằng các công ty kho vận phải nắm vững một loạt quy tắc phức tạp về hải quan tại Vùng Vịnh Lớn nếu muốn thành công.

Tác giả: Ánh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP