Tình trạng “chuyến tàu vét” của quan chức trước khi “hạ cánh” đã từng được cảnh báo trên nghị trường Quốc hội. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã từng cảnh báo rất mạnh mẽ về tình trạng một số cán bộ tranh thủ vơ vét đất đai, nhà cửa, thậm chí cả ô tô công; có người lại tranh thủ ký những quyết định bổ nhiệm, đề bạt, tiếp nhận, có những cán bộ trong vòng 6 tháng ký hơn 60 quyết định bổ nhiệm, đề bạt từ cấp phòng đến giám đốc trung tâm, rồi cục, vụ, viện… Ông Tiến từng cho rằng, thực trạng đó nếu không được giám sát kịp thời của các cấp có thẩm quyền nó sẽ vẫn tiếp tục diễn ra theo kiểu “vạch đường cho hươu chạy”, sẽ mở đường cho rất nhiều những “chuyến tàu vét” khác.
Thực trạng bổ nhiệm cán bộ “5 ệ” và “5 đ”
Rõ ràng, việc tranh thủ làm “chuyến tàu vét” của một số cán bộ là hành vi vụ lợi, thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước, cần phải xử lý thật nghiêm, nếu không sẽ để lại một “di sản” là những cán bộ nhờ vào “5 ệ: quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ, ngoại lệ” nhưng thiếu phẩm chất, năng lực và sau đó là hậu quả “5 đ: đố điều đi đâu được” như phát ngôn của Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội tại Hội nghị Đảng bộ Hà Nội mới đây. Thực trạng đó cũng để lại hệ quả lâu dài trong công tác cán bộ, không làm cho cơ quan mạnh lên mà chỉ yếu đi, không phát triển.
Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền |
Mới đây, cụm từ “chuyến tàu vét” xuất hiện trở lại trên báo chí, đó là vụ việc một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ký 70 quyết định bổ nhiệm nhân sự làm cán bộ, lãnh đạo trước ngày nghỉ hưu. Trước đó không lâu, một Giám đốc Sở ở Thanh Hóa cũng đang bị đề nghị xem xét kỷ luật do ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm trước khi về hưu.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, sở dĩ tình trạng này còn tiếp tục xảy ra là do sự lạm quyền, giám sát quyền lực ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn bị buông lỏng. Việc bổ nhiệm, đề bạt không đúng tiêu chuẩn, quy định là trách nhiệm của người đứng đầu. Dù làm đúng quy trình, cũng lấy ý kiến của tập thể, cá nhân… nhưng những ý kiến ấy bị lệch theo một chiều hướng nào đó. Nói cách khác, sự công khai, dân chủ ở những cơ quan, đơn vị đó không còn đúng với bản chất, bị bóp méo, bị xê dịch theo ý chí của người đứng đầu. Mặt khác, cũng không loại trừ lợi ích nhóm, lợi ích của cá nhân, thậm chí cả yếu tố tham nhũng. Để quy kết trách nhiệm, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu, không thể bỏ qua vai trò của tập thể, cấp ủy. Công tác cán bộ liên quan đến công tác Đảng. Cấp ủy, chính quyền ở những nơi để xảy ra tình trạng như vậy là chưa làm hết trách nhiệm trong việc rà soát, đánh giá, chấn chỉnh lại tình trạng này.
Dư luận hẳn còn chưa quên “chuyến tàu” đầu tiên được báo chí khui ra là của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, người đã ký hàng loạt quyết định nhân sự không đủ tiêu chuẩn để rồi phải nhận án kỷ luật khiển trách khi đã nghỉ hưu. Rồi trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng đã mất tư cách “nguyên Bộ trưởng” dù đã nghỉ hưu khi cuối nhiệm kỳ đã “cất nhắc” Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, những cán bộ sau này đã trở thành những tội phạm, người bị kết án, người đang bị truy nã. Câu hỏi đặt ra, phải chăng việc xử lý để ngăn chặn “những chuyến tàu vét” thời gian qua chưa thích đáng, chưa đủ khả năng răn đe?
Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Văn Xuyền cho rằng việc xử lý cán bộ mắc sai phạm đã nghỉ hưu thời gian qua theo ông là không đủ sức răn đe, chưa đem lại hiệu quả ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền hạn. Sau nghỉ hưu họ không còn là công chức, viên chức, không còn chức vụ lãnh đạo, nên việc xử lý quả thực khó. Luật Cán bộ công chức viên chức đang được xem xét để xử lý tình trạng này, bởi những quy định của luật mới chỉ nhằm vào người đương chức. Như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, mới chỉ xử lý một vài trách nhiệm liên quan cán bộ hưu trí, chủ yếu là mới xử lý về danh dự, còn để đảm bảo răn đe thì chưa đủ mức.
Ông Xuyền cho rằng, cần có các quyết định xử lý mạnh mẽ và rõ ràng hơn, chứ không mang tính hình thức. Công tác cán bộ là công tác của Đảng, cán bộ do Đảng quản lý, nên ngoài xử lý trách nhiệm hành chính, cần phải chịu cả kỷ luật của Đảng một cách tương xứng, cao nhất là khai trừ Đảng, đây là hình thức xử lý mạnh, có khả năng răn đe tốt. Song song với đó cũng phải xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tập thể cơ quan nơi xảy ra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt, những người còn lại, từng tham gia vào việc bổ nhiệm, chứ không phải chỉ xử lý người ký. Việc bổ nhiệm phải thông qua ý kiến của tập thể, do đó việc xử lý cả những người tham gia vào quy trình bổ nhiệm đó sẽ có tác dụng răn đe với chính những người ở lại. Họ phải hiểu rằng khi đã tham gia vào quy trình bổ nhiệm, họ buộc phải có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, đánh giá đúng mực, khách quan theo quy định chứ không thể chấp hành theo kiểu tập thể đoàn kết xuôi chiều, nể nang, bao che cho nhau, dẫn tới triệt tiêu đấu tranh, phản biện.
Những lời gửi gắm, những cuộc điện thoại nhờ vả
Tuy nhiên, ông Xuyền cũng thừa nhận để làm được điều này là rất khó nếu trong cơ quan, người đứng đầu không đi đầu nêu gương về sự trong sáng, thực tâm, vì sự phát triển của cả tập thể. Thực tế, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, trách nhiệm của đảng viên trong cơ quan phải lên tiếng trước những biểu hiện sai trái đều đã có quy định rõ. Ở cơ quan không chấp nhận, anh có thể nêu ý kiến lên cơ quan cấp trên. Quy định là vậy, nhưng trong một cơ quan, tập thể, để vấn đề được bàn bạc công khai, dân chủ, thoải mái thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Anh lãnh đạo tập thể, triển khai các công việc một cách trong sáng, vô tư thì cấp dưới sẽ thoải mái thể hiện quan điểm, tham gia ý kiến. Bằng không, câu chuyện vẫn được nêu ra ở cuộc họp, nhưng đằng sau cuộc họp đó là những lời gửi gắm, là những cuộc điện thoại nhờ vả quan tâm, ủng hộ trường hợp này, trường hợp kia, nó sẽ bị dẫn theo một hướng khác.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là vô cùng cần thiết. Trung ương đã có quy định 105, nhưng Nhà nước chưa thấy có, nên rất cần phải xem xét, sửa đổi bổ sung lại các quy định cho rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ”. Ông Bùi Văn Xuyền nêu nhận định trên và cho rằng, các cơ quan đơn vị không chỉ căn cứ vào các quy định chung mà cũng nên căn cứ vào đặc thù của cơ quan đơn vị mình để xây dựng quy chế đề bạt, bổ nhiệm một cách rõ ràng. Mỗi cơ quan đơn vị, mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có các tiêu chuẩn khác nhau đối với vị trí cấp trưởng, cấp phó thế nên phải cụ thể hóa được các tiêu chuẩn đó. Đáng tiếc, nhiều cơ quan đơn vị chưa cụ thể hóa được những nội dung này. Việc cụ thể hóa được các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị rồi cụ thể hóa cả quy trình, các bước bổ nhiệm, đề bạt cán bộ có thể coi là “cẩm nang” cho công tác đề bạt, bổ nhiệm, làm cho công tác này thực chất và làm căn cứ cho việc thực hiện, kiểm tra, giám sát được hiệu quả./.
Tác giả: Hà Thanh
Nguồn tin: Báo VOV