Kinh tế

Cấp phép cho doanh nghiệp "ma" nhập phế liệu

Nhiều doanh nghiệp không có mặt bằng, cơ sở vật chất, công nghệ nhưng vẫn được cấp phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất, tái chế nhưng sau đó bán kiếm lời

Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2018 đơn vị đã khởi tố 4 doanh nghiệp, Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Hải quan An Giang khởi tố 7 đối tượng liên quan đến hành vi nhập khẩu phế liệu trái phép.

Điển hình như vụ 10.000 container phế liệu nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can. Kết quả điều tra có đủ căn cứ xác định DNTN Sản xuất bao bì Trường Thịnh (địa chỉ tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc và Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (địa chỉ tại phường 4, quận 4, TP HCM) do ông Lê Hữu Thiêm làm giám đốc và Dương Tuấn Anh là quản lý điều hành, có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Thậm chí, một số vụ nhập khẩu phế liệu trái phép có sự tiếp tay của cán bộ ngành môi trường. Cơ quan công an cũng đã khởi tố 2 cán bộ gồm Đoàn Văn Phúc, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bến Tre và Trương Văn Em, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bến Tre, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

doanh nghiệp

Hàng ngàn container phế liệu đang ùn ứ tại cảng Cát Lái

Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đánh giá vấn đề nhức nhối năm qua là tình trạng làm giả hồ sơ ngày càng phức tạp, nhất là hồ sơ nhập khẩu phế liệu. Những tháng cuối năm, tình hình nhập khẩu phế liệu càng "nóng". Chủ doanh nghiệp "ma" dùng chứng minh thư của người khác, thậm chí là của người đã chết, người khuyết tật... để đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong trường hợp nhập trót lọt thì có thể ung dung kiếm lời, còn bị phát giác thì cơ quan chức năng cũng rất khó truy ra chủ thực sự. Trách nhiệm đầu tiên trong việc để doanh nghiệp "ma" hoạt động thuộc về cơ quan ngành TN-MT.

Theo phân tích của ông Quang, ngành TN-MT là cơ quan cấp các loại giấy tờ để doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhưng chưa làm hết trách nhiệm trong việc thẩm định tiêu chuẩn môi trường đối với từng lô hàng. Bên cạnh đó, phía cơ quan TN-MT yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu chỉ phải cung cấp cho hải quan các loại giấy tờ photocopy, đây là kẽ hở mà phía hải quan cho rằng rất dễ bị qua mặt.

Trước những bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.

3.000 container phế liệu vô chủ

Trong năm 2018, lực lượng hải quan đã điều tra hành vi sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép tổng cộng trên 22.300 tấn phế liệu, trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Số phế liệu này từ nước ngoài nhập qua các cảng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM để vào Việt Nam. Hiện nay, tại các cảng vẫn còn khoảng 3.000 container phế liệu vô chủ.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: phế liệu , doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP