Kinh tế

Cân nhắc vay vốn Trung Quốc

GS Nguyễn Mại - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - cho hay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang tính toán lại việc nhận ODA của Trung Quốc

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025, chỉ rõ vốn ODA Trung Quốc là các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác.

Gắn với chỉ định thầu

Cụ thể, vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4%-1,2%/năm, tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0%-2%/năm tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75%/năm... Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc còn phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị chậm tiến độ 10 năm Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc. Đáng nói là một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư…

Ví dụ, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD do trượt giá nguyên vật liệu cũng như giá nhân công. Hay như 1/3 trong 12 dự án đắp chiếu của ngành công thương cũng sử dụng vốn vay từ Trung Quốc như: Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Đạm Hà Bắc, mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên...

Theo Bộ KH-ĐT, trước hiện trạng trên, định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đánh giá chính việc đàm phán vay vốn Trung Quốc với các điều khoản dễ dãi, lỏng lẻo và thiếu thận trọng trong chọn nhà thầu đã dẫn đến tình trạng bị đội vốn bởi những lý do không lường hết được, như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. "Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước cũng đang tính toán lại việc nhận ODA của Trung Quốc, chẳng hạn như Malaysia là quốc gia từng được Trung Quốc tài trợ 17,7 tỉ USD để làm tuyến đường sắt ven biển phía Đông" - GS Nguyễn Mại cho hay.

Ông Mại cũng lưu ý trong tình huống không thể từ chối được vốn Trung Quốc, khi đàm phán cần cẩn trọng trong điều khoản, lựa chọn kỹ lưỡng nhà thầu, chủ đầu tư…

Chiến lược "rút lui ODA"

Theo một chuyên gia về đầu tư nước ngoài, không chỉ vốn từ Trung Quốc, nhìn chung vốn ODA từ mọi nguồn chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Mục đích là để có được nguồn ngoại tệ phục vụ tiếp cận công nghệ, đầu tư tài sản và các kiến thức chuyên môn tiên tiến. Về lâu dài, cần có chiến lược để tiếp cận được tất cả những yếu tố nói trên mà không cần đến vốn ODA. "Đây có thể được gọi là "chiến lược rút lui". Tức là cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế" - vị chuyên gia này phân tích.

Bộ KH-ĐT cho biết do Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) từ ngày 1-7-2017 nên sẽ tiếp cận nguồn tài chính ít hơn từ WB. Dự kiến, đầu năm 2019, Việt Nam cũng bị hạn chế vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Như thế, Trung Quốc vẫn sẽ là một địa chỉ cung cấp vốn có ý nghĩa nhất định với Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong bối cảnh không thể trông đợi nguồn vốn khi các ngân hàng bắt đầu chuyển sang sử dụng nguồn cho vay kém ưu đãi và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường, Việt Nam vẫn cần phải tìm vốn để đầu tư. Ông chỉ lưu ý cân nhắc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hơn, tránh nhận bất lợi về phía mình.

Tác giả: Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: vay vốn , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP