Tuy nhiên, thực tế, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, đặc biệt là những người có nhu thập thấp, vẫn còn nhiều rào cản nếu muốn tiếp cận nguồn vốn này.
Dân ngóng vốn ưu đãi
Làm hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm - Hà Đông từ tháng 4-2016, vợ chồng chị Lê Bích Hảo (quận Thanh Xuân) vẫn đang lấp lửng giấc mơ “an cư”. Thậm chí theo chị Hảo, đến giờ vợ chồng chị cũng đã thực sự nản, không còn suy nghĩ đến việc mua nhà.
Lý do theo chị Hảo cho biết là vợ chồng chị phải vay khoảng 500 triệu đồng mới có thể mua nhà. Đăng ký mua nhà, vợ chồng chị được Vietinbank hỗ trợ lãi vay để lãi suất ở mức 5% theo gói vay 30 nghìn tỷ. Tháng 4-2016 đăng ký mua nhà, tháng 6 chuẩn bị ký hợp đồng mua bán thì hết gói 30 nghìn tỷ. Không vay được vốn giá rẻ, việc ký hợp đồng mua bán phải dừng lại. Chủ đầu tư động viên vợ chồng chị chờ đợi.
“Đầu năm 2017, nghe thông tin Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 4,8%. Vợ chồng chị lại đôn đáo đi hỏi thủ tục, nhưng thực tế là chẳng thấy ai tiếp cận được với gói vay này. Hy vọng, rồi lại thất vọng. Nhưng giờ cũng chỉ biết chờ thôi chứ làm thế nào”, chị Hảo chia sẻ.
Cũng trong trạng thái chờ đợi, mọi thông tin về các chính sách tín dụng cho người mua nhà ở xã hội luôn được anh Mai Văn Hùng (Tứ Hiệp, Thanh Trì) theo dõi rất chặt chẽ. Một trong những chính sách được anh Hùng rất kỳ vọng hiện nay là gói vay ưu đãi được vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Cứ nghĩ gói tín dụng này sẽ được triển khai từ tháng 9-2017 nên vợ chồng tôi đang hy vọng. Đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh, không biết bao giờ gói này mới được triển khai. Nếu không vay được vốn ưu đãi thì những người có thu nhập thấp như chúng tôi rất khó có cơ hội để mua được nhà”, anh Hùng chia sẻ.
Không ít quy định khó
Để tìm hiểu thực tế về việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sáng 13-4, PV đã tìm hiểu tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh quận Đống Đa. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế để vay được nguồn vốn này mua nhà ở xã hội không dễ.
Theo giải thích của cán bộ ngân hàng này, ngoài việc hoàn thành các thủ tục chứng minh thu nhập, cư trú, đủ điều kiện vay vốn thì người vay vốn còn phải tham gia tổ tiết kiệm vay vốn tại địa bàn khu dân cư mình ở. “Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay thông qua ủy thác các tổ chức chính trị xã hội. Tổ tiết kiệm do các hội, đoàn thể đó thành lập lên. Hàng tháng người muốn vay vốn phải gửi tiết kiệm theo quy định của ngân hàng”, cán bộ này cho biết.
Theo tìm hiểu từ Văn bản hướng dẫn số 2526/NHCS-TDSV ngày 27- 7-2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong các điều kiện để có thể vay được vốn ưu đãi mua nhà, người vay vốn phải đáp ứng được các điều kiện như: Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại ngân hàng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Theo chị Đoàn Thị Hương, một người cũng đang ngóng được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội thì đây cũng khác gì thách đố với những người có thu nhập thấp. “Lương hai vợ chồng tôi tháng được khoảng 12 triệu đồng. Nếu mua nhà, chúng tôi phải vay khoảng 500 triệu đồng. Mỗi tháng trả cả lãi và gốc khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó chúng tôi phải thực hiện gửi tiết kiệm vào đó mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng đó nữa thì làm sao đủ khả năng chi trả sinh hoạt, con cái ăn học. Điều kiện này thực sự là thử thách quá lớn đối với những người thu nhập thấp chúng tôi”, chị Đoàn Thị Hương chia sẻ.
Theo lý giải của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, khi người khách hàng vay hoàn thiện hồ sơ sẽ phải chuyển hồ sơ lên tổ tiết kiệm vay vốn (các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương). Tại đây, nếu số lượng vốn được phân bổ về không đáp ứng được nhu cầu thì tổ tiết kiệm vay vốn sẽ tổ chức bình xét để chọn người được vay vốn. Nếu trong tổ có 10 người mua mà vốn cấp về chỉ được cho 5 người thì sẽ phải bình xét, bốc thăm để tìm ra người được vay vốn mua nhà.
Tuy nhiên, trả lời về câu hỏi nếu hồ sơ hoàn thiện, được gửi cho Ngân hàng Chính sách thì bao lâu người vay vốn được giải ngân, thì câu trả lời là chưa có. Theo giải thích, chưa có ai được vay vốn vì nguồn vốn theo quy định được Chính phủ phân bổ về cho Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Chính sách Trung ương phân bổ về cho các tỉnh, thành phố có nhà ở xã hội như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Vốn về các tỉnh, sau đó được phân bổ cho các quận, huyện, rồi về đến phường, xã, đến tổ tiết kiệm. Cũng theo thừa nhận của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Đống Đa thì đến nay vẫn chưa có ai được vay từ nguồn vốn ưu đãi này.
Trả lời báo chí, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đang chính thức triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Việc tập huấn cho chương trình này đã được thực hiện cách đây một, hai năm. Hiện nay, tại các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã có chỉ tiêu vốn. Việc phân bổ vốn theo nhu cầu tại địa phương.
Cụ thể, trong năm 2018, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được xét cho vay mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Lai Châu 10 tỷ đồng, Thanh Hoá 30 tỷ đồng… Nếu chỉ nhìn vào nguồn vốn được phân bổ này thì chẳng khác nào “muối bỏ biển”. Và nếu chỉ nhìn vào con số vốn được phân bổ thì có lẽ người dân cũng không nên quá kỳ vọng.
Tác giả: Phan Hoạt
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân