Tin địa phương

Cần một nghị quyết mới cho Đà Nẵng bứt phá, vươn lên

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Đà Nẵng đã có những bước chuyển mạnh mẽ, bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước.

Đà Nẵng đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.

Đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Đà Nẵng đã triển khai bố trí, sắp xếp tổ chức, bộ máy cán bộ, bổ nhiệm các chức danh từ thành phố xuống đến quận, phường bảo đảm đúng quy trình, thủ tục về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; tiến hành sắp xếp, bố trí các chức danh phù hợp với trình độ chuyên môn, nguyện vọng; chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Việc phân cấp, ủy quyền bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tổ chức bộ máy tinh gọn, bao quát chức năng nhiệm vụ... từ đó rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết: Hằng năm, trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cùng đại diện Đảng ủy, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân theo từng khu vực về hoạt động của phường, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri mà phường, quận, thành phố đã thực hiện theo thẩm quyền. Đồng thời lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết hoặc trình lên trên theo thẩm quyền.

Gần đây, để thuận tiện cho người dân trong xác nhận hộ khẩu, chính quyền phường phối hợp với công an tổ chức xác nhận 1 lần ngay tại bộ phận một cửa của phường. Mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” của phường Hòa Xuân cũng được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Ba năm qua, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Đà Nẵng đạt kết quả tốt, GRDP giai đoạn 2021-2023 ước tăng 7,3%/năm, tiến độ các công trình động lực, trọng điểm được đẩy nhanh. Các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt, nhất là tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính, tạo sự hài lòng cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, như khó khăn trong việc chủ động bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác. Số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Các chức danh cán bộ phường chưa có quy định liên thông ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả quản lý công tác cán bộ tại địa phương và việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã theo hướng chuyên nghiệp. Một số nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân quận trước đây chưa được quy định cụ thể theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà, Phạm Trường Sơn cho rằng: Cơ cấu mỗi quận có 12 phòng và tên gọi cụ thể là chưa phù hợp. Vì vậy, đối với các cơ quan chuyên môn cấp quận chỉ nên quy định số phòng và cơ cấu tên một số phòng, còn lại cần cho phép lập phòng gộp để tạo sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Chế độ quản lý công vụ đối với cán bộ phường, công chức phường cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông giữa quận-phường, ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả quản lý công tác cán bộ tại địa phương.

Về quản lý tài chính ngân sách, khi quận, phường chuyển từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho rằng: Quy định pháp luật hiện hành về ngân sách Nhà nước chưa có, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ; quy định của Luật Ngân sách Nhà nước không bố trí dự phòng ngân sách, chi khác ngân sách, không còn nguồn tăng thu, kết dư nên hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương và hạn chế việc bảo đảm nguồn để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất. Việc bố trí Quỹ thi đua khen thưởng cho các quận, phường là đơn vị dự toán và việc chi ngân sách bằng lệnh chi tiền cho Quận ủy như cấp ngân sách không có quy định chi tiết.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Với những kết quả bước đầu sau gần 3 năm thực hiện chính quyền đô thị, Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị”, qua đó, tăng tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện triển khai mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố. Tăng cường giám sát việc thực hiện phân cấp, ủy quyền tại các cơ quan, địa phương, đơn vị để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những nơi chưa thực hiện tốt, nhất là trên các lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm; không để xảy ra tình trạng chuyên quyền, phát sinh sai phạm tại những nơi được phân cấp, ủy quyền.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành; quy chế dân chủ, mối quan hệ phối hợp với cấp ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp trong điều kiện thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đà Nẵng cũng đang tổng hợp nghiên cứu và đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Thực tế, Đà Nẵng cần một Nghị quyết mới để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch thành phố đang trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đồng thời, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố bảo đảm tính khả thi, cụ thể. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng, điều kiện góp phần hoàn thành và thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.

Tác giả: THANH TÙNG

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP