Đầu tư trên chục tỉ với những mục tiêu tốt đẹp…
Như Infonet đã đưa tin, tháng 10/2018, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 95 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo vỉa hè một số tuyến đường thuộc hai quận trung tâm TP là Hải Châu và Thanh Khê. UBND TP Đà Nẵng giao BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông chịu trách nhiệm quản lý, triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Vỉa hè đường Yên Bái đang được cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí trên 9 tỉ đồng (Ảnh: HC) |
Thực hiện chủ trương này của UBND TP Đà Nẵng, từ đầu tháng 7/2019, hai tuyến đường Trần Quốc Toản, Yên Bái (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đã được triển khai thi công cải tạo, nâng cấp vỉa hè với tổng mức đầu tư đối với vỉa hè đường Trần Quốc Toản trên 4,1 tỉ đồng, vỉa hè đường Yên Bái trên 9 tỉ đồng. Theo kế hoạch, việc thi công nâng cấp, cải tạo vỉa hè hai tuyến đường này sẽ phải hoàn tất trước khi bước vào năm học mới 2019 – 2020.
Cụ thể, hai tuyến đường Trần Quốc Toản và Yên Bái sẽ được nâng cấp, cải tạo bó vỉa, cải tạo hố trồng cây, lát mới vỉa hè; nâng cấp hệ thống thoát nước dọc; xây dựng vịnh đỗ xe, thảm cỏ trước trường học, cơ quan, khách sạn lớn trên tuyến đường tại vị trí phù hợp; bố trí ống nhựa xoắn HDPE để dự phòng ngầm hóa; hợp nhất hệ thống biển báo giao thông; kiên cố các vị trí đấu nối với kiệt hẻm; bố trí lối đi cho người khuyết tật...
Đây là hai tuyến đường nằm cạnh các điểm tham quan, mua sắm lớn ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng như Nhà thờ Chánh tòa, chợ Hàn… nên thường xuyên có rất đông du khách trong và ngoài nước qua lại. Đồng thời vào năm học, có hàng nghìn học sinh hai trường tiểu học Phù Đổng, THCS Trưng Vương (đường Yên Bái, phường Hải Châu 1) đi trên hai tuyến đường này mỗi khi vào lớp hay tan trường. Không chỉ người dân mà đặc biệt du khách lẫn học sinh đều mong muốn có vỉa hè rộng thoáng để việc đi lại đảm bảo an toàn.
Vỉa hè đường Trần Quốc Toản cũng đang được nâng câp, cải tạo với kinh phí 4,1 tỉ đồng. |
Vì vậy, theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo vỉa hè các tuyến đường nêu trên nhằm sắp xếp lại trật tự vỉa hè, tạo môi trường và cảnh quan thông thoáng đảm bảo mỹ quan đô thị; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân sống dọc tuyến, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người khuyết tật; đồng thời tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch khi đến Đà Nẵng, qua đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội TP.
Nhưng vỉa hè vẫn bị chiếm dụng tràn lan thì ai có lợi?
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Infonet, hiện trên hai tuyến đường Trần Quốc Toản và Yên Bái đang có hàng loạt hàng quán chiếm dụng toàn bộ hoặc phần lớn vỉa hè để kinh doanh buôn bán, để xe… Không chỉ ở những đoạn vỉa hè đang thi công dở dang mà ngay cả những khu vực đã thi công xong, lát gạch mới sạch sẽ, đẹp đẽ thì vỉa hè cũng vẫn bị chiếm dụng toàn bộ mà không thấy có sự “sắp xếp lại trật tự vỉa hè” nào của các cấp chính quyền địa phương.
Tình trạng này rõ ràng không “tạo môi trường và cảnh quan thông thoáng, đảm bảo mỹ quan đô thị” mà còn không “đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người khuyết tật” như yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng. Đơn cử khu vực vỉa hè trước quán café số 10 Trần Quốc Toản (góc ngã tư Trần Quốc Toản – Trần Phú) luôn chật kín xe máy của khách vào quán này đậu đỗ tràn lan.
Đoạn vỉa hè ở góc ngã tư Trần Quốc Toản - Trần Phú đã được nâng cấp, cải tạo xong, lát gạch mới sạch đẹp, nhưng hai vị khách nước ngoài này không thể đi bộ trên vỉa hè... |
Vì bị xe của khách vào quán cafe số 10 Trần Quốc Toản đậu đỗ tràn lan, chiếm hết vỉa hè.. |
Vì vậy hai vị khách nước ngoài buộc phải đi xuống lòng đường Trần Quốc Toản, dù tuyến đường này có mật độ xe cộ lưu thông rất cao. |
|
|
Trong khi đó, quán café 73 Nguyễn Thái Học (với 2 mặt tiền ở góc ngã tư Nguyễn Thái Học – Yên Bái) không chỉ giăng bàn ghế buôn bán trên vỉa hè phía Đông đường Yên Bái mà thậm chí còn giăng bạt, dán bảng tên “cát cứ” cả đoạn dài vỉa hè đường Yên Bái ở phía đối diện làm chỗ giữ xe cho khách của quán mình. Tương tự, các quán café tiếp đó trên đường Yên Bái cũng sử dụng vỉa hè phía bên kia đường cho khách của mình đậu đổ xe…
Thậm chí theo quan sát của PV Infonet, ngay trên đoạn vỉa hè này sáng 16/7, công nhân Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng phải di dời một cây xanh đô thị cỡ lớn nhưng không còn phù hợp ở góc ngã tư Yên Bái – Nguyễn Thái Học để thay thế bằng cây khác nhằm đảm bảo an toàn và tạo sự thông thoáng cho người đi bộ. Tuy nhiên, điều đó cũng trở nên vô nghĩa trước việc cả dãy dài xe máy của khách tới uống café ở các quán bên kia đường đậu kín hết vỉa hè này từ trong ra ngoài.
Do vậy, du khách trong lẫn ngoài nước khi đi bộ tham quan, mua sắm… ngang qua các đoạn đường Trần Quốc Toản, Yên Bái này đều phải xuống lòng đường vốn đã chật kín xe ô tô đậu đỗ. Như vậy làm sao việc nâng cấp, cải tạo vỉa hè hai tuyến đường này có thể “tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch khi đến Đà Nẵng, qua đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội TP” như mục tiêu mà UBND TP Đà Nẵng đề ra khi phê duyệt dự án?
Sáng 16/7, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng phải nhổ bỏ cây xanh đô thị cỡ lớn ở góc ngã tư Yên Bái - Nguyễn Thái Học để đơn vị thi công tiến hành nâng cấp, cải tạo và tạo sự thông thoáng cho vỉa hè phía Tây đường Yên Bái... |
Nhưng điều đó cũng trở nên vô nghĩa vì quán cafe Út Tịch và các quán bên kia đường Yên Bái... |
Giăng bạt, dán bảng tên để "cát cứ" đoạn vỉa hè phía Tây đường Yên Bái này... |
...Làm chỗ đậu đổ xe của khách suốt cả dãy dài, tràn lan từ trong ra ngoài, không còn bất cứ chỗ nào cho người đi bộ. |
|
|
Chưa kể, nếu tình trạng này không được giải quyết thì vào năm học mới, hàng nghìn học sinh hai trường Tiểu học Phù Đổng và THCS Trưng Vương cũng sẽ phải đi xuống lòng đường Yên Bái, Trần Quốc Toản mỗi khi đến lớp hay tan trường, cho dù nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập vì mật độ xe cộ, nhất là các xe du lịch cỡ lớn, lưu thông trên hai tuyến đường này rất dày đặc.
Và thế thì việc ngân sách Đà Nẵng đầu tư cả chục tỉ đồng từ tiền đóng thuế của người dân, doanh nghiệp trên toàn TP để nâng cấp, cải tạo vỉa hè hai tuyến đường Yên Bái, Trần Quốc Toản sẽ làm lợi cho ai đây?
Tác giả: HẢI CHÂU
Nguồn tin: Báo Infonet