Kinh tế

Lật tẩy chiêu thức trục lợi từ phân lô bán nền giữa cơn bão "sốt đất"

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc có tổ chức, cá nhân trục lợi từ phân lô, bán nền trên địa bàn TP.HCM và một số địa phương khác. Để trục lợi, các đối tượng này đã dùng những chiêu thức hết sức tinh vi.

Trốn thuế?

Theo hồ sơ mà PV báo ĐS&PL có được, từ năm 2017, ông Trần Nhật Hãn (ngụ phường Thới An, quận 12, TP.HCM) đã có đơn tố cáo ông Bùi Mạnh Hải (SN 1967, địa chỉ tại 2721/3B khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) về hành vi gian lận, trốn thuế trong chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép và mua bán bất hợp pháp nhà đất.

“Các thửa đất có dấu hiệu vi phạm thuế chuyển mục đích sử dụng đất và trước bạ tại thời điểm chuyển nhượng mục đích sử dụng đất gồm thửa 518, 519, 520, 521 (thuộc tờ bản đồ số 45, phường Thạnh Xuân, quận 12). Tôi được biết, ông Hải cùng một số đối tượng làm hồ sơ đóng thuế thấp hơn rất nhiều theo quyết định của UBND TP.HCM”, ông Hãn trình bày.

Dù có mặt tiền đường Tô Ngọc Vân nhưng các đối tượng này đã “hô biến” thành đường hẻm, để có mức đóng thấp hơn.

Theo hồ sơ mà ông Hãn cung cấp: “Năm 2012, ông Hải đã mua phần đất diện tích 4.675,1m2 , sau đó phân thành 4 lô đất, mỗi thửa đất có diện tích từ hơn 900m2 đến 1.441m2 . Thời điểm đó, theo quy định (Quyết định số 61/2012 QĐ-UBND ngày 22/12/2012 của UBND TP.HCM) thì các thửa đất nêu trên phải đóng số tiền thuế khá cao”.

Cụ thể, “vị trí thửa đất thuộc mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 (đoạn từ Quốc lộ 1A – Hà Huy Giáp) có giá đất tại thời điểm đóng thuế chuyển mục đích sử dụng phải nộp cho cơ quan Nhà nước là 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hải chỉ đóng 525.000 đồng/m2 , như vậy, số tiền chênh lệch mà ông Hải đã gian lận (tiền thuế) là rất lớn”.

Để “đánh tráo” số thuế phải nộp, ông Hải và những người liên quan đã làm hồ sơ giả và “hô biến” để dịch chuyển vị trí từ mặt tiền đường Tô Ngọc Vân trở thành “vị trí 1, hẻm nhựa, cấp còn lại” thuộc đường Tô Ngọc Vân (vị trí trong hẻm có mức giá căn cứ thấp nhất) theo mức giá đất 350.000 đồng/m2 . Nếu nhân mức này với hệ số sử dụng đất (hệ số K) là 1.5 thì chỉ có 525.000 đồng/m2. Đây cũng là căn cứ mà ông Hải hưởng mức thuế và nộp tiền sử dụng thấp hơn”, ông Hãn phân tích.

“Nếu đóng theo mức giá đất như theo quyết định của UBND TP.HCM ở mức 1,6 triệu đồng (nhân hệ số K nêu trên) thì cộng cả 4 thửa đất với diện tích chuyển đổi thổ cư, nộp tiền sử dụng đất, ông Hải phải nộp số tiền 9,635 tỷ đồng, chứ không phải hơn 2,108 tỷ đồng. Với các chiêu thức phù phép trên, ông Hải đã gây thất thoát số tiền nộp vào Nhà nước hơn 7,527 tỷ đồng”, ông Hãn cho hay.

Vụ việc được người dân tố cáo đến cơ quan chức năng được xem là “lần đầu tiên nghi vấn phát hiện chiêu thức trục lợi tiền thuế” trong việc phân lô bán nền trên địa bàn TP.HCM. Trong khi đó, tại Bình Thuận, những ngày qua dư luận cũng đang bức xúc trước tình trạng trốn thuế trong việc phân lô bán nền, thậm chí có nhiều tổ chức, cá nhân còn thay đổi thông tin trong việc xác định loại đất, “dời” về các vị trí để có mức đóng thuế... 0 đồng.

Theo kết luận thanh tra của tỉnh Bình Thuận, UBND TP.Phan Thiết đã cố ý, tuỳ tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất gây thất thoát tiền của nhà nước. Các thửa đất được chuyển đổi mục đích sử dụng luôn bị thay đổi thông tin bất thường, xác định loại đất có giá trị thất để trốn thuế đất. Chỉ riêng 5 cá nhân bị phát hiện đã trục lợi từ hành vi “thay đổi thông tin vị trí, loại đất” tới gần 6 tỷ đồng.

Trước những sai phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thận đã giao Thanh tra chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để điều tra dấu hiệu về tội “vi phạm các quy định quản lý đất đai” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc xác định thửa đất không đúng quy định, phân lô, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn, thu lợi bất chính, gây thất thoát tiền ngân sách Nhà nước.

Bàn tay ma thuật nào đạo diễn?

Sau khi căn cứ vào đơn tố giác tội phạm của ông Hãn, ngày 31/10/2018, Công an quận 12 cũng đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về các hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm giả con dấu tài liệu cơ quan tổ chức và trốn thuế xảy ra tại phường Thạnh Xuân, quận 12.

Về vụ việc này, PV cũng đã liên hệ với Công an quận 12, bước đầu, ông Đoàn Văn Phúc, Trưởng Công an quận cho biết: “Hiện vụ việc đã gia hạn và đang trong quá trình điều tra, đồng thời sẽ sắp xếp để làm việc với PV”.

Trong khi đó, đại diện VKSND quận 12 cũng cho biết: “Vụ việc đang trong quá trình điều tra và thuộc thẩm quyền của cơ quan cảnh sát điều tra nên chúng tôi cũng chưa có ý kiến”. Trước đó, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (tổng cục Cảnh sát) cũng đã có phiếu chuyển đơn của ông Hãn về việc tố cáo ông Bùi Mạnh Hải cho phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP.HCM để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Từ các vụ việc trên cho thấy, hành vi trốn thuế trong việc phân lô bán nền đang có dấu hiệu “lây lan”. Ngoài các ông chủ, đầu nậu thật sự thì có hay không sự tiếp tay của cán bộ công quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan trong các phi vụ này để trục lợi? Hơn nữa, nếu chỉ các cá nhân, tổ chức “đầu nậu” cũng không thể qua mặt hàng loạt “hàng rào” của các cơ quan chức năng.

“Đơn cử, qua thực tế khảo sát, đo vẽ, thẩm định hồ sơ... tách thửa, không lý gì cán bộ, công chức thực thi công vụ lại không hay biết vị trí thửa đất thuộc mặt tiền đường nào? Đặc biệt là cán bộ phụ trách lĩnh vực đất đai của các xã, phường, thị trấn... còn rõ hơn ai hết trong việc xác định vị trí, chủng loại đất trên địa bàn ở từng khu vực cụ thể”, luật sư Nguyễn Văn Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận vấn đề.

Thực tế, tại Bình Thuận, trong kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về vụ việc nêu trên cũng chỉ rõ: “Những sai phạm trên thuộc trách nhiệm của sở TN&MT, UBND TP.Phan Thiết, phòng TN&MT TP.Phan Thiết, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Phan Thiết, chi cục Thuế TP.Phan Thiết và UBND các xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm”.

Từ việc phân lô bán nền ồ ạt, chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng hoặc cơ sở hạ tầng yếu kém... cũng dẫn tới tình trạng mua bán, chuyển nhượng dưới hình thức giấy viết tay và lập vi bằng. Từ đó, người dân tiến hành xây dựng nhà và các công trình “chui”, sai phép khác trên địa bàn TP.HCM.

“Tình trạng này diễn ra đã và đang để lại hệ quả rất nặng nề: Chính quyền phải tốn thời gian, ngân sách để họp hành, lập đoàn, tiến hành cưỡng chế... trong khi người dân đã sinh sống trong một thời gian lại phải phá bỏ hoặc bị cưỡng chế công trình, gây ra nhiều thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần, khiếu kiện vượt cấp...”, luật sư Hùng nói thêm.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình nêu trên, UBND quận 12 cũng vừa có văn bản cảnh báo người dân tránh bị lừa khi mua bán, chuyển nhượng các thửa đất nền trên địa bàn. Bởi, qua công tác kiểm tra, UBND quận 12 đã phát hiện 10 trường hợp người dân tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường cống thoát nước, điện) và tự phân lô bán nền trên địa bàn phường Thạnh Xuân.

Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12 chia sẻ: “Trong thời gian qua, trên địa bàn quận 12 xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại. Việc này nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). “Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý. Thông qua việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi”, bà Lan nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12 chia sẻ: “Trong thời gian qua, trên địa bàn quận 12 xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại. Việc này nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). “Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý. Thông qua việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi”, bà Lan nhấn mạnh.

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

  Từ khóa: sốt đất , BĐS , kinh doanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP