Xã hội

Cách nhận biết thực phẩm chứa hàn the

Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu về loại hàng hóa đặc biệt là thực phẩm của người dân tăng. Do đó, cần đề phòng với các loại thực phẩm chứa chất phụ gia gây độc hại, nhất là hàn the.

PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, hàn the là muối natri của acid boric. Từ rất lâu, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, giò, chả và nhiều thức ăn khác với mục đích tạo độ giòn, giai.

Khi sử dụng thực phẩm có hàn the thường xuyên chúng sẽ gây những triệu chứng như nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, gây ban đỏ cho da dẫn đến tróc vẩy, kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể, gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, rối loại chức năng...

Theo khuyến cáo trên thế giới, trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2 gr/kg thể trọng sẽ bị tử vong sau 10-12 giờ. Ở thể trường diễn, trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não.

Tại Việt Nam, hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ Y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó.

Sử dụng giấy tẩm bột nghệ để thử hàn the trong giò, chả

Trên mâm cỗ ngày xuân của gia đình Việt không thể thiếu một số thực phẩm như thịt lợn và các loại giò, chả. Tuy nhiên, việc một số cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà lạm dụng hàn the trong bảo quản và chế biến các loại thực phẩm này đã khiến các bà nội trợ e ngại. Do đó, hãy là người tiêu dùng thông minh trong việc nhận diện các loại thực phẩm “ngậm” hàn the để đảm bảo sức khỏe trong dịp nghỉ Tết.

Có nhiều cách để phân biệt thực phẩm có ướp hàn the hay không như nhận biết qua mùi vị và màu sắc. Cụ thể, đối với thịt lợn, miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, thớ thịt săn nhưng khô. Cắt vào bên trong thịt nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi ăn sẽ thấy miếng thịt bở và có mùi hôi. Ngược lại, thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Khi luộc thịt, nước trong, mùi thơm, ăn dai thịt.

Còn với giò lụa nguyên chất khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu vàng hồng nhạt, hoặc có màu vàng tự nhiên của thịt rán, bề mặt giò mịn cảm giác hơi ướt khi cắt ra và có nhiều lỗ rỗ. Giò sống ngon được làm từ thịt nạc ngon, dẻo quánh có màu hồng của thịt được xay nhuyễn. Chả ngon sẽ có vỏ hơi sần sùi, bề mặt mềm mịn và có nhiều lỗ nhỏ giống như giò lụa.

Giò lụa có pha thêm bột khi cắt ra sẽ không có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt.

Hoặc có thể sử dụng nghệ để nhận biết. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ.

Cách làm giấy nghệ như sau: Nghệ tươi gọt vỏ, rửa sạch, để ráo nước, sau đó giã nhỏ hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn, đem ngâm trong cồn từ 2-3 giờ, lọc lấy phần nước, bỏ phần bã nghệ. Lấy giấy lọc ngâm trong dung dịch nghệ từ 1-2 giờ, sau đó vớt ra, hong khô, sau đó quan sát màu của giấy. Nếu giấy nghệ có màu quá nhạt, việc thử hàm lượng hàn the không đảm bảo chính xác. Do đó, giấy nghệ đảm bảo chất lượng là bề mặt giấy được phủ kín màu vàng của nghệ, màu đều nhau, không đậm cũng không quá nhạt.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: hàn the , thực phẩm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP