Giáo dục

Các trường “mách nước” thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển an toàn

Nhiều trường ĐH vừa công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý đào tạo, để tăng cơ hội đỗ thì thí sinh phải có mức điểm cao hơn mức sàn đưa ra từ một tới vài điểm.

Cách bao điểm sàn sẽ an toàn?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các ngành đại trà của trường mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đều từ 21 điểm trở lên.

Cũng theo ông Điền, Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm sàn ở các mã ngành khác nhau, dao động 21-24. Trừ Đào tạo quốc tế có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dưới 20 điểm.

“Thí sinh dưới 21 điểm nên chọn trường khác đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội đỗ", Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Phong Điền nói.

Ngày 13/7, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ cụ thể cho từng mã ngành.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết mức điểm sàn để xét tuyển của trường là 18 điểm, cao hơn năm 2016 là 1 điểm.

Theo đó, Đại học Kinh tế quốc dân lấy ngưỡng xét tuyển của tất cả 25 mã ngành là 18 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2016. Tuy nhiên, Trưởng phòng Đào tạo Bùi Đức Triệu khuyến nghị, mức điểm đăng ký vào trường an toàn nhất là 20.

Tuy nhiên, ông Triệu cho biết khi tư vấn tuyển sinh, căn cứ vào mức điểm chuẩn các năm trước và điểm thi năm nay: "Thí sinh phải đạt từ mức 20 điểm trở lên mới có cơ hội cao vào trường"- ông Triệu nhấn mạnh.

Nhận định về điểm chuẩn năm nay, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng, điểm chuẩn vào các ngành sẽ dự kiến cao hơn năm ngoái.

TS Lê Viết Thủy- Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, ở ĐH Kinh tế Quốc dân, năm nay khối A chiếm tỷ lệ cao, năm nay khoảng 60% - 65%. Khối D có xu hướng tăng, chiếm tới 20%. Với phổ điểm năm nay, điểm chuẩn khối A vào các trường top như ĐH Kinh tế Quốc dân không tăng đáng kể, mà tăng nhiều nhất có thể là khối A1 và khối D.

Chiến thuật đăng ký vào ĐH Kinh tế Quốc dân, khoảng 21-22 điểm có cơ hội vào trường. Các bạn nên chọn 3-4 nguyện vọng thì khả năng cao sẽ đạt được mong muốn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục phó Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, phương án xét tuyển năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và trường hợp thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, cũng chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất.

“Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển”- Ông Trinh nhấn mạnh.

Khi nào nên đăng ký lại nguyện vọng?

Trước câu hỏi của thí sinh: “Em đã nộp đăng ký xét tuyển từ tháng 4, nhưng chưa đăng ký vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi có kết quả thi, em muốn đăng ký vào ngành Bác sỹ đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội thì có được không?”

Ông Mai Văn Trinh, Cục phó Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, trước khi quyết định có đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội, thí sinh cần phân tích phổ điểm của năm 2017 và so sánh với phổ điểm của các năm trước.

Cũng theo ông Trinh, khi đã quyết định, thí sinh có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách sau: Nếu thí sinh không thêm nguyện vọng, có nghĩa là sẽ bỏ bớt 1 nguyện vọng đã đăng ký để thêm nguyện vọng vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến (sử dụng số chứng minh nhân dân và mã truy cập được cấp khi đăng ký dự thi).

Nếu em thêm nguyện vọng, cần đến điểm đăng ký dự thi (Trường THPT nơi em học) điền thông tin và nộp Phiếu đăng ký điều chỉnh nguyện vọng.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, ngày 12/7 Bộ GD&ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào kèm theo phổ điểm. Phổ điểm được công bố theo từng khối thi (các khối thi truyền thống và một số tổ hợp có nhiều thí sinh đăng ký).

Phổ điểm sẽ cho biết số lượng thí sinh đạt kết quả thi từ các mức điểm khác nhau (ví dụ: số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên, từ 20,25 điểm trở lên…).

Như vậy căn cứ phổ điểm thí sinh sẽ xác định được số thí sinh có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của em trong năm 2017 là bao nhiêu, sau đó quay sang phổ điểm năm 2016, thí sinh sẽ xác định với số lượng thí sinh như vậy năm 2016 sẽ có điểm từ mức nào trở lên và như vậy thí sinh sẽ xác định được: trong vùng kết quả của thí sinh, phổ điểm năm nay sẽ cao hơn (hay thấp hơn) năm trước là bao nhiêu.

Tuy nhiên, ông Trinh cũng nhấn mạnh, phổ điểm chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường.

“Do vậy, để đảm bảo khả năng trúng tuyển vào các ngành phù hợp, thí sinh vẫn phải cân nhắc để lựa chọn đủ các ngành có khả năng trúng tuyển ở các mức khác nhau; đồng thời phải cân nhắc kỹ trật tự đặt các nguyện vọng này”- ông Trinh cho hay.

Từ ngày 15 - 23/7, thí sinh bắt đầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng của mình theo mẫu nếu có thay đổi so với nguyện vọng đã đăng ký trước đó.

Theo đó, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến: Thí sinh dùng số chứng minh nhân dân của mình cùng mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi để truy cập vào hệ thống (https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn), sau đó chọn chức năng “Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển”.

Lưu ý, thời gian đăng ký trực tuyến chỉ từ 15/7 đến hết ngày 21/7; với phương thức này, thí sinh không được tăng số nguyện vọng so với đăng ký ban đầu và không thay đổi được chế độ ưu tiên.

Điều chỉnh nguyện vọng tại điểm đăng ký dự thi (thay đổi NV bằng Phiếu): Thí sinh điền thông tin vào Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Sau đó, nộp Phiếu này tại điểm đăng ký dự thi và ký xác nhận sau khi rà soát kỹ thông tin ĐKXT của mình đã được nhập vào máy tính.

Lưu ý, thời gian điều chỉnh bằng Phiếu từ 15/7 đến hết ngày 23/7; Phương thức điều chỉnh này chỉ thực hiện đối với các thí sinh tăng số lượng nguyện vọng so với đăng ký trước đây hoặc thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP